“Uống nhiều nước” là lời khuyên phổ biến nhất đối với mỗi người để đạt được sức khỏe tốt, nhiều năng lượng, sáng mịn da và giảm cân nặng cơ thể. Theo Hướng dẫn Eatwell của Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), lượng nước thông thường được khuyến nghị nên uống mỗi ngày là 2 lít (L), nhưng cũng có thể cao hơn tùy vào mỗi khu vực và hoạt động của mỗi người. Điển hình như, Học viện Quốc gia Hoa Kỳ khuyến nghị phụ nữ nên uống tới 2,7 L và nam giới là 3,7 L mỗi ngày. Nhiều khuyến nghị trong số này dựa trên các nghiên cứu dịch tễ học, thí nghiệm hoặc các phương pháp điều tra thống kê.
Một nghiên cứu mới đây của nhóm các nhà khoa học quốc tế được công bố trên tạp chí Science, khám phá sự luân chuyển nước bằng cách sử dụng dữ liệu được thu thập thông qua kỹ thuật phân tích hạt nhân đối với nước được gắn nhãn kép chỉ thị, đã làm sáng tỏ lượng nước thực sự mà con người cần uống hàng ngày. Sự luân chuyển nước thể hiện chính xác lượng nước cơ thể sử dụng. Mặc dù có liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng sự luân chuyển nước thường không cao như nhu cầu nước của cơ thể, bởi vì cơ thể người cũng hấp thụ nước từ không khí qua da và thực phẩm.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science cho thấy: Nam giới 20 tuổi điển hình ở Mỹ hoặc Châu Âu nên uống khoảng 1,5 đến 1,8 L nước mỗi ngày và phụ nữ là 1,4 L
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các hướng dẫn và khuyến nghị trước đây có thể đang ở mức quá cao đối với hầu hết mọi người ở hầu hết khu vực và con số thực tế hàng ngày thấp tới 1,5 L đối với nam giới và 1,3 L đối với nữ giới (ở độ tuổi trưởng thành). Con số này cũng sẽ thay đổi theo các yếu tố liên quan đến hoạt động và cơ địa mỗi người. Yosuke Yamada từ Viện Đổi mới Y sinh, Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia, Nhật Bản, tác giả của nghiên cứu cho biết: “Nước uống chiếm khoảng một nửa đến 40% lượng nước luân chuyển. Chúng ta tiêu thụ lượng nước trong thực phẩm và cơ thể cũng tự sản xuất nước trong quá trình chuyển hóa năng lượng. Nếu bạn nhân lượng nước luân chuyển với khoảng 0,4, bạn có thể có câu trả lời về lượng nước bạn cần uống trong một ngày, mặc dù nó phụ thuộc vào cả dạng thức ăn sử dụng”.
Lượng nước cần cho cơ thể mỗi ngày là tùy thuộc vào từng cá nhân cùng môi trường sống và tình hình sức khỏe
Sử dụng Cơ sở dữ liệu Nước được gắn nhãn kép (DLW) của IAEA, Yamada và hơn 90 nhà nghiên cứu từ các viện trên khắp thế giới đã kiểm tra dữ liệu về hàm lượng nước trong cơ thể và quá trình trao đổi chất của 5.604 đàn ông và phụ nữ, từ 8 ngày tuổi đến 96 tuổi, từ 23 tuổi ở các quốc gia đang phát triển và phát triển. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu để phát triển một phương trình chung dự đoán lượng nước luân chuyển, có thể được sử dụng để dự đoán tác động của những thay đổi về khí hậu và nhân khẩu học. Điều này sẽ giúp các quốc gia dự đoán nhu cầu nước trong tương lai.
Nguyên lý của phương pháp dựa trên sự luân chuyển của nước trong cơ thể con người. Sự luân chuyển đó bao gồm: nước được hấp thu vào cơ thể đến khi thoát ra khỏi cơ thể. Quá trình thoát nước bao gồm: qua đường tiêu hóa, thoát qua da và qua mồ hôi, qua đường hô hấp. Để duy trì cân bằng nước cơ thể, sự thoát nước phải phù hợp với sự hấp thu nước từ đồ uống, thực phẩm, hơi nước trong lượng khí hô hấp, lượng nước hấp thụ qua da và nước hình thành trong quá trình hiếu khí hô hấp và trao đổi chất. Toàn bộ chuyển động của nước trong cơ thể, cả lượng nước vào và lượng nước mất đi, được gọi là lượng nước luân chuyển (L/ngày). Kỹ thuật đồng vị được áp dụng trong nghiên cứu này là kỹ thuật sử dụng đồng vị hydro do hydro là nguyên tố chính cấu thành nên các phân tử nước. Kỹ thuât này sẽ theo dõi lượng đồng vị hydro và bằng phép đo hạt nhân, có thể xác định chính xác tổng lượng nước trong cơ thể và lượng nước luân chuyển. Nước uống vào cơ thể sẽ được làm giàu với khoảng 5% nước khử màu (DHO). Deuterium hòa vào nước trong cơ thể sẽ cung cấp ước tính tổng lượng nước trong cơ thể thông qua nguyên tắc pha loãng. Đồng vị deuterium dư thừa sau đó được loại bỏ khỏi cơ thể bằng các con đường đào thải. Do không tồn tại thêm chất đánh dấu nào đi vào hệ thống nên đồng vị làm giàu giảm theo cấp số nhân trở lại mức cơ bản. Tham số tốc độ này khi trở lại đường cơ sở là lúc lượng nước cơ thể bằng với lượng nước luân chuyển.
Nghiên cứu hiện tại nhằm kiểm tra sự phụ thuộc của lượng nước luân chuyển và tổng lượng nước trong cơ thể theo độ tuổi, kích thước cơ thể, thành phần cơ thể, tổng năng lượng tiêu hao (MJ/d) và mức độ hoạt động thể chất (PAL = tổng tiêu hao năng lượng/ chi tiêu năng lượng cơ bản) trong suốt cuộc đời con người, tác động của khí hậu, bao gồm cả vĩ độ, độ cao, nhiệt độ không khí bên ngoài và độ ẩm; ảnh hưởng tiềm năng của kinh tế được đo bằng chỉ số HDI.
John Speakman, giáo sư tại Viện Công nghệ Tiên tiến Thâm Quyến và Đại học Aberdeen, cho biết: “Hiểu được các yếu tố thúc đẩy lượng nước luân chuyển và tầm quan trọng tương đối của các yếu tố khác nhau là một bước tiến lớn trong khả năng dự đoán nhu cầu nước trong tương lai”. Nghiên cứu cho thấy có nhiều yếu tố dự đoán liên quan đến sự luân chuyển nước ngoài tuổi tác, kích thước và thành phần cơ thể. Tình trạng thể thao, mức độ hoạt động thể chất, các yếu tố kinh tế xã hội và môi trường cũng quyết định lượng nước luân chuyển. Không đơn giản để nói tất cả mọi người nên uống 2 lít nước mỗi ngày. Có nhiều yếu tố liên quan, đặc biệt là ở các quốc gia nơi sản xuất nước uống sạch có giá thành cao, khuyến nghị đó là không hợp lý.
Việc ước tính lượng nước luân chuyển bằng cách sử dụng các phương trình mới này không chỉ giúp thiết kế chiến lược nước mà còn thiết kế nhu cầu nước trong tương lai – điều rất quan trọng đáp ứng với sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu. Nghiên cứu dựa trên dữ liệu được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu DLW của IAEA. Cơ sở dữ liệu chứa dữ liệu của hơn 8.300 người, trở thành bộ sưu tập dữ liệu lớn nhất thế giới cho đến nay. DLW được thu thập bằng cách sử dụng kỹ thuật đồng vị ổn định của hydro và oxy – deuterium và oxy-18. Cơ sở dữ liệu miễn phí và có thể truy cập được đối với các nhà nghiên cứu. Trong khi hầu hết dữ liệu đến từ các nghiên cứu được thực hiện ở các nước phương Tây, IAEA đã mở rộng bộ dữ liệu và phối hợp bổ sung dữ liệu từ Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.
Từ khóa: nước; xác định lượng nước uống; kỹ thuật đồng vị; hạt nhân;
– CMD&DND –