Theo một nghiên cứu mới, những bệnh nhân không tuân thủ đúng tần suất xạ trị (bỏ lỡ các buổi xạ trị) trong quá trình điều trị ung thư có nguy cơ tái phát ung thư cao hơn bình thường, ngay cả khi hoàn thành quá trình điều trị. Mức độ ảnh hưởng lớn hơn dự đoán của các nhà nghiên cứu, việc không tuân thủ xạ trị có thể là nguyên nhân mang tới các yếu tố nguy cơ khác có ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả điều trị. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Ung thư Bức xạ – Sinh học – Vật lý.
Liệu pháp xạ trị có tác dụng chống lại bệnh ung thư. Ở liều cao, xạ trị sẽ giết chết tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của chúng bằng cách làm hỏng DNA của chúng. Các tế bào ung thư có DNA bị hư hỏng không thể sửa chữa sẽ ngừng phân chia hoặc chết. Khi các tế bào bị tổn thương chết đi, chúng sẽ bị phá vỡ và bị cơ thể loại bỏ. Xạ trị không tiêu diệt tế bào ung thư ngay lập tức. Phải mất vài ngày hoặc vài tuần điều trị trước khi đủ DNA bị tổn thương để các tế bào ung thư chết. Sau đó, các tế bào ung thư tiếp tục chết trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi kết thúc xạ trị.
(Nguồn: National Cancer Institute)
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Y Albert Einstein ở New York đã phân tích dữ liệu từ hơn 1.200 bệnh nhân tại bệnh viện này được xạ trị bằng phương pháp chiếu ngoài. Quá trình xạ trị thực hiện để điều trị ung thư đầu và cổ, vú, phổi, cổ tử cung, tử cung hoặc trực tràng từ năm 2007 đến năm 2012. Những bệnh nhân bỏ lỡ hai hoặc nhiều lần xạ trị theo lịch trình được phân loại là không tuân thủ. Những bệnh nhân không tuân thủ (22% tổng số) ở mức trung bình được xác định là bỏ lỡ 04 lần xạ trị. Việc bỏ lỡ hai hoặc nhiều lần xạ trị sẽ kéo dài quá trình điều trị trung bình thêm 7,2 ngày. Tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu cuối cùng đều đã hoàn thành quá trình xạ trị theo kế hoạch.
Trong thời gian theo dõi, 9% bệnh nhân bị ung thư tái phát và 19% tử vong. Sau khi điều chỉnh các biến số về nhân khẩu học và lâm sàng, bao gồm cả loại ung thư, những bệnh nhân không tuân thủ xạ trị có nguy cơ tái phát bệnh cao hơn và tỷ lệ sống sót thấp hơn. Các nhà nghiên cứu tin rằng một số có nguy cơ tái phát gia tăng có thể là do khối u tái phát triển – tức là các tế bào ung thư vẫn còn tồn tại sau khi ngừng điều trị và phân chia với tốc độ nhanh hơn. Nhưng đối với nhiều loại ung thư được đưa vào nghiên cứu, các kết quả trước đây cho thấy rằng việc tái tạo khối u không có tác động đáng kể đến khả năng tái phát và khả năng sống sót của bệnh nhân. Thay vào đó, việc không tuân thủ xạ trị có thể đóng vai trò là dấu hiệu cảnh báo cho các yếu tố nguy cơ bổ sung ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả điều trị, bao gồm sức khỏe tâm thần, thiếu hỗ trợ xã hội và không tuân thủ các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như hóa trị.
Xạ trị tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của chúng bằng cách làm hỏng DNA của chúng (Nguồn: National Cancer Institute)
Trong phân tích nghiên cứu, các nhà nghiên cứu không tìm thấy tác động độc lập của các biến số như tuổi tác, giới tính, chủng tộc và tình trạng kinh tế xã hội đến khả năng tái phát và khả năng sống sót khi tính đến việc không tuân thủ xạ trị. Dựa trên kết quả từ nghiên cứu, cơ sở xạ trị ung thư có thể đã đưa ra các chính sách mới. Mỗi lần khám, các bác sĩ cần xem xét lại và đảm bảo rằng bệnh nhân đã đến điều trị hàng ngày trong tuần đó và nếu không đúng lịch, bác sĩ cần liên hệ bệnh nhân ngay lập tức. Sau đó, bác sĩ ung thư bức xạ có thể giới thiệu ngay đến dịch vụ chăm sóc hỗ trợ, dịch vụ sức khỏe tâm thần, hỗ trợ vận chuyển hoặc các nguồn lực khác. Làm như vậy cho phép họ giải quyết những vấn đề liên quan tới điều trị nhanh hơn và giúp bệnh nhân tuân thủ phần còn lại của quá trình điều trị.
Từ khóa: xạ trị; ung thư;
– CMD&DND –