Trang chủ » An toàn bức xạ cho phụ nữ

An toàn bức xạ cho phụ nữ

An toàn bức xạ luôn vấn đề được quan tâm hàng đầu của công nhân/nhân viên làm việc với các thiết bị bức xạ hay các nguồn phóng xạ. Tình trạng công nhân/nhân viên nghỉ việc do lo ngại về khả năng tiếp xúc với bức xạ không quá phổ biến nhưng lại gây ảnh hưởng không nhỏ đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hiện nay. Vậy các công nhân/nhân viên cần biết những gì để có thể tự bảo vệ bản thân hoặc tránh những rủi ro có thể tiếp xúc với bức xạ trong quá trình làm việc ?. Đặc biệt  đối với những phụ nữ đang có ý định sinh con hay đang mang thai hoặc cho con bú.

Trước khi bắt đầu làm việc với bức xạ ion hóa, chủ cơ sở sử dụng các thiết bị bức xạ hoặc nguồn phóng xạ cần phải thực hiện việc đánh giá an toàn hay rủi ro bức xạ. Điều này cho phép quyết định những việc cần làm để hạn chế khả năng tiếp xúc với bức xạ đối với công nhân/nhân viên tại cơ sở. Đánh giá sẽ chỉ ra liều bức xạ mà công nhân/nhân viên có thể nhận được và quy trình phải tuân thủ để bảo vệ bản thân, đặc biệt là với phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú. Thông thường, các biện pháp bảo vệ bức xạ cho tất cả nhân viên có thể đủ để bảo vệ phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú. Bởi vậy, không nhất thiết phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú phải tránh tất cả các công việc với bức xạ hoặc chất phóng xạ.

Các khu vực làm việc được kiểm soát đặc biệt khác với các khu vực khác để ngăn chặn khả năng tiếp xúc với bức xạ được gọi là khu vực kiểm soát. Các khu vực bên ngoài khu vực kiểm soát có thể được gọi là khu vực giám sát nếu người sử dụng lao động cần xem xét đến việc đảm bảo an toàn bức xạ ở những khu vực này. Tất cả các quy tắc áp dụng cho các khu vực này đều được quy định trong các văn bản pháp luật và được cung cấp các hướng dẫn làm việc chính phải tuân theo trong khu vực đó. Các quy định đó đã bao gồm yêu cầu cụ thể đối với nhân viên mang thai hoặc cho con bú phải tuân theo. Khi làm việc trong khu vực đó, công nhân/nhân viên phải tuân theo các quy định để đảm bảo an toàn và nếu không tiếp cận tới các khu vực đó, thì sẽ không có nguy cơ phơi nhiễm bức xạ. Ví dụ như làm việc trong một phòng bên cạnh khoa X-quang trong bệnh viện, hoặc làm việc trong tòa nhà hành chính của một cơ sở có sử dụng thiết bị bức xạ hay nguồn phóng xạ.

Các nguồn bức xạ không liên quan đến công việc

Tất cả chúng ta đều tiếp xúc với bức xạ nền tự nhiên từ các nguồn bên ngoài công việc, chẳng hạn như:

  • Các nguồn bức xạ từ Trái đất;
  • Tia bức xạ từ vũ trụ;
  • Khí radon ở mặt đất;
  • Phóng xạ tự nhiên trong thực phẩm.

Những nguồn này không dễ dàng kiểm soát nhưng chúng khó dẫn đến tiếp xúc bức xạ đáng kể với em bé trong bụng mẹ. Liều bức xạ nền từ tất cả các nguồn bức xạ tự nhiên trong môi trường của chúng ta trung bình khoảng 2,2 mSv/năm (mSv là chữ viết tắt của millisievert, là đơn vị liều bức xạ). Bức xạ nền này dao động từ 1 mSv đến 8 mSv/năm, tùy thuộc vào các khu vực trên Trái đất. Dải liều này chủ yếu là do khí radon sinh ra, tuy nhiên, khả năng tiếp xúc với em bé trong bụng mẹ là rất nhỏ. Các nguồn bức xạ nền tự nhiên khác thường không thể kiểm soát được và trong khi mang thai, em bé sẽ nhận được một liều khoảng 1 mSv  từ những nguồn này. Đối với việc kiểm tra y tế sử dụng X-quang, thông thường sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nào cho em bé trong bụng mẹ. Tuy nhiên, khi kiểm tra hay điều trị y tế có sử dụng đến các quy trình bức xạ ion hóa, chúng ta nên thông báo cho nhân viên y tế về việc đang hoặc có thể mang thai để họ có tư vấn phù hợp.

Giới hạn liều bức xạ

Giới hạn liều bức xạ theo quy định hiện nay của Việt Nam là 20 mSv/năm đối với nhân viên bức xạ trên 18 tuổi, tuy nhiên, chủ lao động nên hạn chế khả năng phơi nhiễm bức xạ với liều lượng so với giới hạn quy định càng thấp càng tốt. Đối với người có khả năng tiếp xúc với bức xạ dưới 18 tuổi (cụ thể từ 16-18 tuổi) được chỉ định không được nhận liều vượt quá 6 mSv/năm. Tất cả những người này đều phải có hồ sơ liều lượng cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết người lao động đều nhận được ít hơn nhiều so với mức giới hạn trên.

Nếu đang có kế hoạch lập gia đình và sinh con, phụ nữ có quyền thông báo đến chủ lao động để có thể thay đổi vị trí công việc hoặc được áp dụng theo một quy trình bảo vệ hạn chế tiếp xúc bức xạ. Điều này hoàn toàn đủ để bảo vệ em bé trong giai đoạn đầu trước khi xác nhận đang mang thai. Tuy nhiên, điều này là không bắt buộc phải thực hiện về mặt pháp lý và có thể chọn giữ nguyên vị trí làm việc hoặc không nhất thiết phải thông báo việc mang thai đến chủ lao động.

Từ thời điểm chủ lao động nhận được thông báo về việc nhân viên mang thai, điều kiện làm việc sẽ phải được kiểm soát để giảm thiểu liều bức xạ và hạn chế khả năng nhận liều nhiều hơn 1 mSv. Mức liều này đã được thiết lập thận trọng và không bao gồm bức xạ tự nhiên hoặc bức xạ từ nguồn không liên quan đến công việc. Khi tuân thủ theo các quy định an toàn, sẽ không có nguy cơ gây hại đáng kể cho em bé và chắc chắn không cần phải chấm dứt thai kỳ vì liều bức xạ nhận được tại nơi làm việc.

Nên làm gì để giữ liều cho bé càng thấp càng tốt

Phụ nữ mang thai cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo rằng em bé không bị phơi nhiễm một cách không cần thiết. Liều cho em bé có thể đến từ tiếp xúc bên ngoài, ví dụ như từ tia X, hoặc từ ô nhiễm bên trong do làm việc với bụi phóng xạ, chất lỏng hoặc khí. Do đó, hành động tùy thuộc vào nơi làm việc và công việc phải làm. Chủ lao động sẽ phải xem xét đánh giá rủi ro. Tùy thuộc vào việc em bé có khả năng nhận được nhiều hơn 1 mSv trong thời gian mang thai hay không, có thể cần phải thay đổi điều kiện làm việc để đảm bảo điều này không xảy ra.

Đối với phụ nữ đang cho con bú, các nguồn bức xạ bên ngoài, chẳng hạn như tia X, không ảnh hưởng đến việc dẫn sữa hoặc cho con bú. Việc cần làm là xem xét các khả năng có thể các chất phóng xạ được đưa vào cơ thể, ví dụ nuốt chúng hoặc hít chúng. Phụ nữ đang cho con bú nên thông báo cho chủ lao động để chủ lao động sửa đổi đánh giá rủi ro và xem xét yêu cầu thực hiện trong suốt thời gian cho con bú.

Từ khóa: phóng xạ; bức xạ; an toàn; phụ nữ có thai; cho con bú

– CMD&DND –

Cùng chủ đề

Viết một bình luận

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Công ty TNHH thiết bị và dịch vụ khoa học AE

Trụ sở chính tại Hà Nội: Phòng 1411 tòa nhà OCT2, KĐT Xuân Phương Viglacera, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Chi nhánh miền Nam: 154/174C Âu Dương Lân, Phường 3, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh

Chi nhánh miền Trung: Xã Lộc Ninh, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Chi nhánh Bắc Giang: Số 18, Thôn Lực, xã Tân Mỹ, Tp. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

ĐT: 0983374983, Fax: 024366667461

Email: duongcm@ae-rad.vn

Di động: 0983 374 983 (Chu Minh Dương)

LIÊN HỆ TƯ VẤN





    Total Visitors: 132677

    Today's Visitors:8

    0983 374 983