Chính quyền Bang Ontario, Saskatchewan, New Brunswick và Alberta đã phát hành Kế hoạch chiến lược chung đề ra con đường phát triển và triển khai các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR). Kế hoạch này được xây dựng dựa trên một nghiên cứu khả thi do các công ty điện lực công bố vào năm 2021.
Các khu vực của Canada đã hợp tác để thúc đẩy phát triển công nghệ lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) theo Biên bản ghi nhớ được ký bởi Ontario, New Brunswick và Saskatchewan vào tháng 12 năm 2019 và Alberta tham gia vào tháng 4 năm 2021.
Nghiên cứu khả thi về SMR năm 2021 kết luận rằng việc phát triển SMR sẽ cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng của Canada, hạn chế phát thải khí nhà kính và đưa Canada trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ sạch và chống biến đổi khí hậu. Kế hoạch chiến lược được xây dựng trên cơ sở xác định các hành động chính mà các Bang có thể thực hiện để đưa ra quyết định có tiếp tục triển khai các SMR hay không. Sau khi quyết định tiếp tục, Kế hoạch đã vạch ra các hành động tiếp theo để hỗ trợ việc triển khai SMR.
Kế hoạch đã xác định năm lĩnh vực ưu tiên để phát triển và triển khai SMR:
– Định vị Canada là nước xuất khẩu công nghệ SMR toàn cầu bằng cách thúc đẩy ba luồng phát triển SMR riêng biệt, bao gồm việc cung cấp vào lưới điện quốc gia và cung cấp điện riêng lẻ.
– Thúc đẩy phát triển khuôn khổ pháp lý hạt nhân mạnh mẽ tập trung vào sức khỏe, an toàn cộng đồng và môi trường trong vẫn khi đảm bảo kinh tế và thời gian vận hành hợp lý.
– Đảm bảo các cam kết của chính phủ liên bang về hỗ trợ tài chính và chính sách cho công nghệ SMR mới nhằm mang lại lợi ích kinh tế to lớn trên toàn quốc và giúp đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải.
– Tạo cơ hội tham gia của người dân bản địa và cả nước.
– Làm việc với chính phủ liên bang và các nhà khai thác hạt nhân về một kế hoạch quản lý chất thải hạt nhân cho các SMR.
Ba luồng phát triển công nghệ SMR riêng biệt dự kiến được đưa ra trong Kế hoạch là:
– Luồng 1: Một dự án SMR 300 MWe hòa lưới điện quốc gia sẽ được xây dựng tại khu hạt nhân Darlington ở Ontario vào năm 2028, tiếp theo là các tổ máy ở Saskatchewan với tổ máy đầu tiên được dự kiến đưa vào hoạt động năm 2034. Tập đoàn Ontario Power Generation (OPG) đã công bố GE -Hitachi với tư cách là nhà phát triển công nghệ ưu tiên cho dự án Darlington SMR và bắt đầu các công việc chuẩn bị mặt bằng ban đầu.
– Luồng 2: 02 loại SMR tiên tiến, thế hệ thứ tư sẽ được phát triển ở New Brunswick: ARC Clean Energy đang đặt mục tiêu vào năm 2029 để SMR nơtron nhanh ARC-100 làm mát bằng natri có thể hoạt động tại Point Lepreau vào năm 2029. Moltex Energy hướng tới mục tiêu đưa cả hệ thống thu hồi nhiên liệu đã qua sử dụng và lò phản ứng làm mát bằng muối hoạt động ổn định vào đầu những năm 2030, cũng tại Point Lepreau.
– Luồng 3: SMR vi mô mới được thiết kế chủ yếu để thay thế việc sử dụng dầu diesel ở các khu dân cư và khu mỏ vùng sâu vùng xa. Công ty Global First Power, liên doanh giữa OPG và Ultra Safe Nuclear Corporation, đang đề xuất xây dựng SMR vi mô 5 MW tại Phòng thí nghiệm Chalk River thuộc sở hữu liên bang ở Ontario với mục tiêu đưa vào hoạt động vào năm 2026.
Kế hoạch chiến lược này là bản cuối cùng có thể được thực hiện trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ giữa các Bang, nhưng mới chỉ là bước khởi đầu khi các Bang phối hợp thực hiện các bước tiếp theo nhằm thúc đẩy đổi mới SMR ở Canada. Các Bang trong Biên bản ghi nhớ sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác về SMR với chính phủ liên bang để đảm bảo được hỗ trợ tài chính, quy định và chính sách cần thiết hỗ trợ tiếp tục phát triển SMR.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Ontario, Todd Smith cho biết: “Chúng tôi biết thế giới đang theo dõi chúng tôi khi nói đến SMR và tôi tin tưởng rằng danh tiếng của chúng tôi như một trung tâm quốc tế về SMR sẽ phát triển mạnh mẽ hơn từ đây”. “Với những người đang tìm kiếm năng lượng sạch, đáng tin cậy và giá cả phải chăng, SMR sẽ nâng cao lợi thế năng lượng sạch của chúng tôi và giúp chúng tôi đảm bảo các khoản đầu tư mới tạo ra việc làm trên khắp các Bang của chúng tôi.”
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Phát triển Năng lượng của New Brunswick, Mike Holland cho biết: năng lượng hạt nhân là một phần quan trọng trong bối cảnh năng lượng của New Brunswick trong gần 4 thập kỷ. Ông nói thêm: “Thật đáng khích lệ khi thấy khu vực tư nhân đứng sau những sáng kiến này để giúp New Brunswick trở thành Bang đi đầu trong phát triển năng lượng sạch và hạt nhân tiên tiến”.
Bang Saskatchewan và Alberta hiện không có lò phản ứng điện hạt nhân. Bộ trưởng, Phụ trách SaskPower, Don Morgan cho biết SaskPower – công ty cung cấp điện chính của Saskatchewan – đã đặt nền móng vững chắc cho năng lượng hạt nhân. Ông đặc biệt nhắc tới sự hợp tác kéo dài 4 năm với OPG để đánh giá các thiết kế SMR cho việc triển khai dựa trên hạm đội ở cả Ontario và Saskatchewan.
Sonya Savage, Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Alberta, cho biết: có “tiềm năng lớn” đối với SMR trong việc cung cấp năng lượng không phát thải khí nhà kính cho các hoạt động công nghiệp ở các vùng sâu vùng xa và để giảm lượng khí thải từ cát dầu. Bà nói: “Kế hoạch chiến lược này đánh dấu một bước tiến quan trọng khác nhằm xác định cách quản lý và điều chỉnh tốt nhất công nghệ đổi mới này bằng cách làm việc với các đối tác cấp Bang và các cơ quan quản lý liên bang của chúng tôi”.
* * * * *
Hiệp hội hạt nhân thế giới (World Nuclear Association) định nghĩa lò phản ứng mô đun nhỏ (SMR) là các lò phản ứng hạt nhân có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 300 MWe được thiết kế với công nghệ mô đun, tiết kiệm về sản xuất và thời gian xây dựng. Hiện nay có bốn lựa chọn công nghệ đang được phát triển: lò nước nhẹ (LWR), lò nơtron nhanh (FNR), lò nhiệt độ cao làm chậm nơtron bằng graphit (HTR) và lò phản ứng sử dụng muối nóng chảy (MSR). LWR có rủi ro công nghệ thấp nhất nhưng FNR có thể đạt kích thước nhỏ hơn và đơn giản hơn, thời gian vận hành dài hơn. Nhìn chung, SMR có tính đơn giản trong thiết kế, tiết kiệm trong sản xuất, thời gian xây dựng ngắn và giảm thiểu chi phí lựa chọn địa điểm. SMR được thiết kế có mức độ an toàn thụ động cao. Theo báo cáo năm 2015 của Hiệp hội hạt nhân thế giới, tiềm năng của SMR dựa trên một số yếu tố sau:
– Kích thước nhỏ và có tính mô đun nên các nhà máy điện hạt nhân với công nghệ SMR hầu hết có thể được xây dựng trong vùng được kiểm soát và được lắp đặt theo từng mô đun nhằm cải thiện chất lượng và hiệu quả xây dựng.
– Kích thước nhỏ và đặc tính an toàn thụ động tạo ra sự thích ứng SMR cho các quốc gia có lưới điện nhỏ và có ít kinh nghiệm về điện hạt nhân.
– Kích thước nhỏ, hiệu quả xây dựng và các hệ thống an toàn thụ động tạo điều kiện thuật lợi về tài chính so với các nhà máy điện hạt nhân lớn.
– Tiết kiệm về sản xuất hàng loạt của SMR sẽ làm giảm thêm chi phí đầu tư ban đầu.
– CMD&DND –