Rủi ro bức xạ trong lĩnh vực y tế đến từ việc ứng dụng các dược chất phóng xạ (thuốc phóng xạ và các chất đánh dấu trong chụp ảnh bức xạ) và các thiết bị phát tia X, máy gia tốc. Các nguồn bức xạ này đều là các nguồn nhân tạo và thường có cường độ cao. Việc nhận diện rủi ro đối với các nhân viên hay kỹ thuật viên thường rõ ràng hơn đối với dân chúng trong phạm vi khám và chữa bệnh.
Thiết bị phát tia X
Nhân viên y tế hay kỹ thuật viên vận hành các thiết bị phát tia X có thể tiếp xúc với bức xạ ion hóa từ các ca chiếu xạ trong điện quang hay xạ trị. Thiết bị phát tia X được sử dụng trong các môi trường khác nhau, nằm chủ yếu ở các khoa chụp X-quang. Các thiết bị này phổ biến đến mức đã được ứng dụng từ quy mô phòng khám, trung tâm y tế đến bệnh viện với số lượng thiết bị phát tia X đạt mức cao nhất trong tất cả các ngành ứng dụng công nghệ bức xạ hiện nay.
Thiết bị phát tia X/máy X-quang trong y tế
Nguyên lý hoạt động cơ bản của ống phát tia X: Sau khi cấp nguồn cho ống phát, các electron được gia tốc về phía bia vật liệu nặng như vonfram và sau đó hoặc bị giảm tốc nhanh chóng (phát tia X thông qua bức xạ Bremsstrahlung) hoặc đánh bật các electron bên trong nguyên tử của bia (phát tia X đặc trưng khi các electron bên ngoài lấp đầy các chỗ trống electron bên trong). Ống phát tia X không chứa chất phóng xạ, do đó không gây ra nguy cơ bức xạ ion hóa khi ngừng cấp nguồn điện.
Các quốc gia phát triển về lĩnh vực y học hiện nay đã và đang xây dựng các hệ thống thông tin về việc bảo vệ nhân viên y tế khỏi phơi nhiễm phóng xạ. Các hệ thống thông tin này được các cơ quan có thẩm quyền quản lý vật liệu phóng xạ, thiết bị bức xạ và cơ quan y tế quản lý. Dữ liệu được thu thập và xử lý cho hệ thống thông tin bao gồm:
– Các kỹ thuật chẩn đoán/hình ảnh (chụp X quang; chụp cắt lớp vi tính hoặc CT; soi huỳnh quang) được sử dụng để xác định vị trí gãy xương, tổn thương cơ quan trong cơ thể hay các khối u; xác định mức độ thương tật hoặc bệnh tật; xác định sự cần thiết của các thủ tục y tế khác;
– Các kỹ thuật can thiệp (thủ thuật can thiệp dưới hướng dẫn của soi huỳnh quang và chụp động mạch) được sử dụng để hướng dẫn điều trị. Xạ trị sử dụng bức xạ ion hóa năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u.
Máy soi huỳnh quang di động được sử dụng để hướng dẫn tim mạch, thần kinh và các thủ thuật khác (Nguồn: WikimediaCommons/Ben Stephenson).
Hình ảnh y tế bao gồm nhiều công nghệ khác nhau, trong đó điển hình như:
– Chụp X quang được tiến hành tại cơ sở X-quang thuộc các bệnh viên hay tại một số phòng khám, trung tâm y tế nhỏ. Thiết bị chụp X-quang bao gồm loại chụp X-quang cố định và di động. Hiện nay, hầu hết các cơ sở y tế đã sử dụng thiết bị chụp X-quang kỹ thuật số tạo ra hình ảnh kỹ thuật số thay vì phim X-quang cổ điển. Công nghệ này thường làm giảm liều bức xạ mà nhân viên y tế và bệnh nhân nhận được.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT): liên quan đến việc sử dụng một hoặc nhiều chùm tia X để thu được hình ảnh của một hoặc nhiều bộ phận cơ thể từ nhiều góc độ xung quanh bệnh nhân. Các quy trình chụp CT sử dụng liều bức xạ cao đối với bệnh nhân và có nguy cơ bức xạ cao hơn đối với các kỹ thuật viên vận hành so với thiết bị X-quang thông thường. Liều mà bệnh nhân chụp CT nhận được phụ thuộc vào phần cơ thể được chẩn đoán và quy trình chụp CT.
– Nội soi huỳnh quang hiển thị liên tục hình ảnh X-quang theo thời gian thực, giống như phim X-quang, được sử dụng để theo dõi chuyển biến của các bộ phận cơ thể, vật thể hoặc chất tương phản trong cơ thể. Nội soi huỳnh quang được thực hiện với các hệ thống soi huỳnh quang cố định hoặc di động. Một số quy trình can thiệp dưới hướng dẫn của nội soi huỳnh quang sử dụng liều lượng bức xạ cao, bao gồm các quy trình X-quang can thiệp, tim mạch can thiệp và các quy trình X-quang thần kinh can thiệp, cũng như phẫu thuật nội mạch. Khi soi huỳnh quang, việc yêu cầu liều cao trong thời gian dài có thể dẫn đến tăng nguy cơ bức xạ, bao gồm tổn thương bức xạ da. Các cơ sở y tế cần đảm bảo rằng nhân viên thực hiện soi huỳnh quang được đào tạo và có đầy đủ thông tin về các nguy cơ bức xạ và khả năng ảnh hưởng sức khỏe mang tính tất định và ngẫu nhiên.
– Chụp động mạch tim sử dụng hình thức chụp X-quang chuyên biệt: đặt ống thông tim, nong mạch (thủ thuật mở các động mạch bị tắc) và đặt stent, thường là thủ thuật can thiệp có hướng dẫn bằng nội soi huỳnh quang. Kỹ thuật này liên quan đến việc chụp X-quang các mạch máu sau khi tiêm một loại thuốc đặc biệt (chất cản quang) để tăng cường hình ảnh X-quang. Liều bức xạ của chụp động mạch tim bao gồm cả liều bức xạ từ soi huỳnh quang và chụp X-quang.
Thiết bị X-quang răng
– Hình ảnh nha khoa sử dụng các máy X-quang nha khoa đặc biệt tạo ra hình ảnh kỹ thuật số hoặc phim và thường được thực hiện tại các phòng khám nha khoa. Máy chụp cắt lớp vi tính chùm tia hình nón (CBCT) là công nghệ mới, có thể được sử dụng để chụp ảnh răng miệng và hàm mặt với độ phức tạp cao. Các cơ sở sử dụng thiết bị này phải đảm bảo có các biện pháp bảo vệ, như định vị an toàn cho người vận hành thiết bị X-quang nha khoa (khác so với thiết bị X-quang thông thường). Các biện pháp này được triển khai để giữ liều bức xạ cho nhân viên nha khoa dưới giới hạn quy định và ở mức thấp nhất có thể.
– Hình ảnh thú y được thực hiện bằng cách sử dụng thiết bị X-quang cố định hoặc di động. Nhân viên vận hành thiết bị chụp X-quang thú y có thể gặp thêm các mối nguy hiểm từ việc xử lý và hành vi của động vật, tùy thuộc vào tình trạng của động vật và nhu cầu kiềm chế. Cơ sở thực hiện các dịch vụ này phải giảm thiểu những nguy cơ đó bằng cách đào tạo nhân viên thú y về an toàn bức xạ, kỹ thuật vận hành thiết bị X-quang, kỹ thuật xử lý động vật, thuốc an thần và gây mê thích hợp cho động vật.
Từ khóa: Điện quang; xạ trị; dược chất phóng xạ; CT; X-quang
– CMD&DND –