Ngày 21/9/2021, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) chính thức hợp tác triển khai Dự án hợp tác kỹ thuật chung đầu tiên nhằm hỗ trợ các chuyên gia trên toàn thế giới sử dụng các đồng vị bền để đo lượng phát thải khí nhà kính (KNK) và xác định chính xác nguồn phát sinh. Dự án Greenhouse Gas Foot-Printing được khởi động tại một sự kiện bên lề của Hội nghị chung lần thứ 65 của IAEA, xây dựng dựa trên sự hợp tác của hai tổ chức kể từ năm 1997.
IAEA và Tổ chức Khí tượng Thế giới sử dụng các đồng vị bền để tìm ra nơi phát sinh khí nhà kính nhằm chống lại biến đổi khí hậu. (Nguồn: IAEA)
Khí nhà kính, như carbon dioxide và mêtan, làm biến đổi khí hậu và gây ra các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt trên khắp thế giới. Các loại khí này sinh ra từ cả các hoạt động công nghiệp và tự nhiên, điển hình như việc đốt nhiên liệu hóa thạch (trong nhiệt điện) và sự phân hủy của thực vật. Việc tính toán chính xác nguồn phát thải KNK trong một khu vực cụ thể là thách thức đối với nhiều quốc gia đang triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng cam kết hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu. Việc hiểu được nguồn phát thải từ đâu, nguồn gốc của chúng là gì, sẽ cho phép các nhà quản lý nhắm đến đúng đối tượng gây ô nhiễm.
Hiện nay trên thế giới mới chỉ có một số tổ chức đủ điều kiện sử dụng các kỹ thuật đo lường (kỹ thuật đồng vị bền) để theo dõi và truy tìm nguồn gốc phát thải KNK (xác định được nguồn chính xác tại một khu vực cụ thể). Kỹ thuật đồng vị bền được sử dụng bằng cách thu thập các mẫu không khí và xác định tỷ lệ đồng vị cacbon trong hàm lượng cacbon điôxít của mẫu, từ đó, các nhà khoa học có thể phát hiện ra khí đã được giải phóng như thế nào và xác định được nguồn gốc của chúng. Thông tin này được sử dụng để giúp Chính phủ xây dựng chính sách và thực hiện các hoạt động liên quan đến chống biến đổi khí hậu một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, bằng cách hiểu rõ việc giải phóng khí thải trên quy mô quốc gia, các nhà hoạch định chính sách có thể nhắm tới mục tiêu hiệu quả hơn trong việc giảm phát thải KNK.
IAEA sẽ làm việc với WMO và Hệ thống tích hợp thông tin khí nhà kính toàn cầu (IG3IS) để cho phép các nhà khoa học trả lời các câu hỏi cần thiết liên quan đến việc giảm phát thải KNK:
– Tình trạng phát thải hiện tại của thành phố và/hoặc quốc gia như thế nào?
– Khí thải đến từ đâu?
– Lượng khí thải có thể được cắt giảm là bao nhiêu?
– Việc tuân theo các quy định quốc gia có tác động như thế nào đến việc giảm lượng khí thải KNK?
Bên cạnh đó, các trung tâm dịch vụ và đào tạo khu vực sẽ được thành lập trong các phòng thí nghiệm đã tham gia vào tổ chức Theo dõi Khí quyển Toàn cầu (GAW) của WMO chưa sử dụng kỹ thuật đồng vị bền để đo lương phát thải KNK. Tại các trung tâm này, các nhà khoa học sẽ được đào tạo cách sử dụng thiết bị, giải thích dữ liệu và phân tích kết quả liên quan đến các nguồn phát. Các nhà khoa học được đào tạo sẽ có thể tư vấn cho các nhà quản lý và giúp các cơ quan quản lý đạt được các mục tiêu chính sách về khí hậu, hỗ trợ thực hiện các hoạt động liên quan đến khí hậu.
Đồng vị ổn định (bền) là dạng tồn tại tự nhiên của các nguyên tố hóa học. Các đồng vị bền này có thể xuất hiện tự nhiên ở dạng nguyên tử hoặc kết hợp với các nguyên tử khác.
Các đồng vị không ổn định trải qua quá trình phân rã phóng xạ cho đến khi chúng có được trạng thái ổn định. Những đồng vị này được gọi là đồng vị phóng xạ. |
– Chu Minh Dương –