“An toàn là trên hết”, câu ngạn ngữ luôn đúng khi nói đến thực phẩm. Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), thì cứ mười người lại có một người mặc bệnh do sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm. Trong khi nhiều người hiện còn chưa có nhiều quan tâm đến các loại bệnh lây truyền qua đường thực phẩm, thì thực tế gánh nặng sức khỏe cộng đồng do các loại bênh đó gây ra đã đạt đến mức tương đương với các loại bệnh sốt rét hay HIV/AIDS.
Đối mặt với vấn đề an toàn và chất lượng thực phẩm, hiện nay có nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế như IAEA đã và đang sử dụng cũng như thúc đẩy và tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của các kỹ thuật hạt nhân trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt là IAEA đã phối hợp với Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) để xây dựng năng lực cho các quốc gia trong việc sử dụng và phát triển kỹ thuật hạt nhân để áp dụng bức xạ giúp thực phẩm luôn tươi và không bị sâu bọ xâm hại.
Ông Andrew Cannavan, Trưởng Bộ phận Kiểm soát và An toàn Thực phẩm tại Trung tâm Kỹ thuật Hạt nhân trong Nông nghiệp và Thực phẩm của FAO/IAEA cho biết: “Trong quy trình tiêu thụ thực phẩm, từ nông trại đến người sử dụng, kỹ thuật hạt nhân đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Công nghệ hạt nhân và các kỹ thuật phân tích liên quan hiện đã được chuyển giao cho các quốc gia thông qua chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA và được phát triển thêm thông qua các hoạt động nghiên cứu phối hợp của tổ chức này. Qua đó, nhiều quốc gia đã được trang bị năng lực mở rộng và thích ứng sử dụng kỹ thuật hạt nhân với các tình huống khác nhau và tự thực hiện các nghiên cứu về an toàn thực phẩm.
Các phòng thí nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.
Phòng thí nghiệm về an toàn thực phẩm – tiền tuyến phòng thủ
Hầu hết các mối đe dọa từ thực phẩm bị ô nhiễm đều không được người tiêu dùng phát hiện, bởi vậy, các phòng thí nghiệm an toàn thực phẩm là chìa khóa để ngăn chặn sự lây lan ô nhiễm đó. Trung tâm Liên hợp FAO/IAEA đã và đang hỗ trợ các phòng thí nghiệm an toàn thực phẩm trên toàn thế giới trong việc giám sát và theo dõi các chất gây ô nhiễm và dư lượng hóa chất nông nghiệp trong thực phẩm.
Mới đây, ở Sri Lanka, IAEA đã tiến hành hỗ trợ phát triển năng lực phân tích và đánh giá an toàn thực phẩm, đặc biệt là dầu dừa nhiễm aflatoxin. Theo WHO, tiếp xúc lâu dài với aflatoxin có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và sự phát triển bình thường của cong người, hoặc nặng hơn có thể sẽ gây ung thư. Các nhà khoa học đã chỉ ra sự cần thiết phải quản lý đối với cả cá trong nuôi trồng thủy sản, ở các trang trại sử dụng mức kháng sinh vượt quá giới hạn chấp nhận. Hóa chất nông nghiệp và thuốc thú y cũng được tìm thấy trong cá. Những đánh giá như vậy giúp các nhà ra quyết định đưa ra các giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm thực phẩm.
Chiếu xạ thực phẩm để loại bỏ chất gây ô nhiễm
Chiếu xạ thực phẩm hiện không xa lạ gì chúng ta. Kỹ thuật này giúp loại bỏ hoặc trung hòa các chất ô nhiễm vi sinh có hại mà không làm thay đổi mùi vị hoặc kết cấu của thực phẩm, không để lại dư lượng chất gây hại trong thực phẩm. IAEA và FAO đang hỗ trợ phát triển chiếu xạ thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Năm 2021, dự án nghiên cứu phối hợp của IAEA đã chứng minh tính khả thi của việc sử dụng chùm tia điện tử năng lượng thấp (LEEB) và tia X năng lượng thấp để giảm sự xâm nhập và ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm. Trong khi đó, các dự án nghiên cứu phối hợp về việc sử dụng chùm năng lượng thấp đang tiếp tục phát triển và thúc đẩy sự đổi mới của quá trình sẩn xuất thực phẩm bằng bức xạ.
Chiếu xạ loại bỏ vi khuẩn trong quả dâu tây
Kỹ thuật hạt nhân giúp phát hiện thực phẩm “giả”
Từ nấm cục và rượu vang đến mật ong và dầu ô liu, các loại thực phẩm đôi khi bị các nhà cung cấp pha trộn hoặc dán nhãn sai nhằm tăng lợi nhuận. Vấn đề này đến nay đã được giải quyết khi có kỹ thuật “đánh dấu” đồng vị trên thực phẩm. Kỹ thuật này có thể xác nhận hoặc phủ nhận nguồn gốc của sản phẩm. Phân tích đồng vị bền có thể xác định thành phần trong thực phẩm và đưa ra nhãn tương ứng cho thực phẩm. Điều này ngăn chặn khả năng thực phẩm bị pha trộn, làm giả. Các thành phần pha trộn trong đó có thể không an toàn, gây độc hại đối với con người.
Phương pháp phát hiện thực phẩm “giả” là bằng cách đo và phân tích các đồng vị bền có trong tự nhiên. Đồng vị được đo bằng khối phổ kế tỷ lệ đồng vị (IRMS) và tỷ lệ của các đồng vị có thể được so sánh với thực phẩm “thật” để phân biệt giữa thực phẩm “thật” và thực phẩm “giả”. Kỹ thuật này dựa trên tỷ lệ đồng vị của một số nguyên tố, sử dụng để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kiểm tra tính xác thực của nó và kiểm tra các chất gây ô nhiễm hoặc tạp nhiễm.
Các loại đồng vị bền được sử dụng trong việc phát hiện thực phẩm “giả”
Từ khóa: An toàn thực phẩm; chiếu xạ; phân tích đồng vị bền;
– CMD&DND –