Gần một nửa sản lượng cá khai thác toàn cầu trong năm 2019 là từ ngành nuôi trồng thủy sản. IAEA đã đưa ra 37 phương pháp phân tích để tăng tính an toàn của các sản phẩm nuôi trồng thủy sản và bảo vệ người tiêu dùng. (Ảnh: J.Sasanya/IAEA)
Dự án Nghiên cứu Phối hợp của IAEA (CRP) hoàn thành tháng 7/2022 đã thiết lập 37 phương pháp phân tích mới trong phòng thí nghiệm được sử dụng để đảm bảo an toàn cho các sản phẩm nuôi trồng thủy sản và bảo vệ người tiêu dùng. Trên thế giới hiện nay, nuôi trồng thủy sản (cá và hải sản) là một trong những ngành sản xuất thực phẩm giàu protein có tốc độ phát triển nhanh và chi phí thấp. Trong giai đoạn 2000–2012, sản lượng nuôi trồng thủy sản đã tăng bình quân 6,2%/năm từ 32,4 triệu lên 66,6 triệu tấn. Năm 2019, có tới 85,3 triệu tấn cá được sản xuất từ nuôi trồng thủy sản, chiếm gần một nửa sản lượng cá toàn cầu.
Các loại chất hóa học như dược phẩm thú y và các chất liên quan được sử dụng phổ biến để kiểm soát các bệnh trong nuôi trồng thủy sản và nâng cao sản lượng. Tuy nhiên, dư lượng của các chất này cùng với các chất độc không mong muốn, các chất gây ô nhiễm trong tự nhiên ở các sản phẩm và thức ăn nuôi trồng thủy sản gây ra rất nhiều nguy cơ về sức khỏe cộng đồng và môi trường. Chính vì vậy, hầu hết các quốc gia đều có khuôn khổ quy định rất chặt chẽ nhằm bảo vệ người tiêu dùng, cải thiện sản lượng nuôi trồng thủy sản và tăng cường thương mại quốc tế. Việc thực thi các quy định đó được cơ quan quản lý triển khai nhờ vào các phương pháp phân tích phòng thí nghiệm và kỹ thuật hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Kỹ thuật hạt nhân cũng được yêu cầu sử dụng để hiểu rõ hơn về sự ô nhiễm tại các địa điểm nuôi trồng thủy sản với các tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Giới hạn dư lượng thuốc trong thực phẩm ở các khu vực trên thế giới
Mục tiêu chung của Dự án CRP là góp phần tăng cường kiểm soát quốc gia đối với dư lượng dược phẩm thú y và các hóa chất liên quan trong các sản phẩm đầu vào nuôi trồng thủy sản cũng như tại địa điểm nuôi trồng. Mục tiêu cụ thể của Dự án là: Cải thiện năng lực phòng thí nghiệm để thu thập dữ liệu tin cậy về sự an toàn của các sản phẩm nuôi trồng thủy sản và hoạt động nuôi trồng thủy sản; Đánh giá hiệu quả chi phí của các kỹ thuật chuẩn bị mẫu và sử dụng tối ưu các công cụ phân tích để đảm bảo yêu cầu nuôi trồng thủy sản, an toàn môi trường; Đánh giá các cách thức tăng cường và kiểm soát chất lượng phòng thí nghiệm trong đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường; Nâng cao hiểu biết về các tác động tiềm tàng của các hóa chất trong nuôi trồng thủy sản và ô nhiễm đối với hệ thống sản xuất nuôi trồng thủy sản.
Tác động và mức độ liên quan
CRP thiết lập 37 phương pháp phân tích hạt nhân, hỗ trợ các quốc gia trong việc bảo vệ người tiêu dung, các sản phẩm nuôi trồng thủy sản và tạo thuận lợi cho thương mại. Nhiều phương pháp được áp dụng tương đối nhanh và phù hợp với các loại dư lượng thuốc thú y và chất gây ô nhiễm, như độc tố nấm mốc. Bên cạnh đó, các phương pháp này còn mang lại hiệu quả cho việc kiểm tra trong phòng thí nghiệm đối với thực phẩm trong nước, nhập khẩu và xuất khẩu, tạo ra bộ thông tin về các mối nguy trong sản xuất nuôi trồng thủy sản để tạo điều kiện cho các quyết định về mặt quản lý dựa trên cơ sở khoa học. CRP cũng góp phần vào việc công nhận ISO 17025 cho 03 trong số các tổ chức tham gia Dự án: Argentina, Bỉ, Brazil, Cameroon, Canada, Trung Quốc, Ecuador, Lebanon, Hà Lan, Nigeria, Nam Phi, Singapore, Türkiye, Uganda và Hoa Kỳ.
Từ khóa: CRP; kỹ thuật hạt nhân; thuốc thú y; dư lượng chất bảo vệ;
– CMD&DND –