Các nhà khoa học Nam Phi hiện đang nghiên cứu phát triển phương pháp sử dụng chất phóng xạ gắn vào sừng tê giác để dễ dàng trong việc phát hiện sừng Tê giác. Đây là một động thái nhằm ngăn chặn nạn săn trộm, giết hại Tế giác hiện nay.
Tê giác hay con tê là loài động vật có vú guốc lẻ trong họ Rhinocerotidae. Trong năm loài còn sinh tồn hiện nay, có hai loài sinh sống ở Châu Phi và ba loài sinh sống ở Nam Á. Các thành viên của Họ Tê giác đều có thể đạt tới hoặc hơn một tấn. Tê giác bị giết để lấy sừng và được sử dụng làm đồ trang trí hoặc cho y học dân gian. Đông Á và đặc biệt là Việt Nam, là thị trường buôn bán sừng tê giác lớn nhất hiện nay. Theo trọng lượng, sừng tê giác có giá trị như vàng. Sừng tê giác được tạo nên từ keratin, loại protein cùng tạo nên tóc và móng tay. Sách đỏ IUCN đánh giá tê giác đen, tê giác Javan và tê giác Sumatra là những loài cực kỳ nguy cấp hiện nay.
Việc bảo tồn tê giác là một trọng tâm trong các vấn đề về buôn bán động, thực vật hoang dã trong nhiều năm qua. Mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của tê giác trong tự nhiên là nạn săn trộm để thỏa mãn nhu cầu về sừng tê giác, chủ yếu là từ Châu Á. Hiện tại, có khoảng 20.000 cá thể tê giác trắng ở Châu Phi, thuộc nhóm gần bị tuyệt chủng theo IUCN. Châu Phí cũng có khoảng 5.000 cá thể tê giác đen, được IUCN phân loại là Cực kỳ nguy cấp, với ba phân loài còn sót lại: Tê giác đen phía Đông (Eastern Black Diceros b. michaeli), tê giác đen phía Nam trung bộ (South-central Black D. b. minor) và tê giác đen phía Tây nam (South-western Black D. b. bicornis). Phân loài tê giác đen phía Tây đã được xác nhận tuyệt chủng vào tháng 11/2011.
Hầu hết tê giác Châu Phi hiện được tìm thấy ở Nam Phi, chiếm 79% tổng số tê giác toàn Châu Phi, cùng với các quốc gia khác là Namibia, Kenya và Zimbabwe. Thống kê trong 06 tháng đầu năm vừa qua, đã có ít nhất 249 con tê giác ở Nam Phi bị giết hại và lấy sừng, nhập lậu vào châu Á.
James Larkin, một nhà nghiên cứu về công nghệ hạt nhân tại Đại học Witwatersrand, cho biết: Phương pháp tiêm vào sừng tê giác lượng nhỏ chất phóng xạ có thể ngăn chặn nạn săn trộm tê giác khi giúp việc phát hiện sừng tê giác trở nên dễ dàng hơn. Hơn 11.000 thiết bị dò bức xạ được lắp đặt tại các cảng và sân bay trên khắp thế giới, điều này là lợi thế và thuận lợi cho việc triển khai phương pháp này. Đặc biệt, các nhân viên hải quan có thể phát hiện sừng tê giác trong các khối hàng chỉ bằng máy dò bức xạ cầm tay.
Tê giác được tiêm một loại đồng vị phóng xạ với việc đảm bảo loại đồng vị và hoạt động không đi vào cơ thể hoặc gây ra các vấn đề sức khỏe cho động vật hoặc con người. Sau đó, các nhà nghiên cứu theo dõi và sử dụng máy tính để mô hình hóa và tính toán, xác định liều lượng thích hợp nhất cho tê giác. Việc thử nghiệm được tiến hành trên một tê giác mô hình được chế tạo bằng máy in 3D trước khi tiến hành trên tê giác thật.
Chương trình này được gọi là Dự án Rhisotope với sự hỗ trợ từ Rosatom của Nga, cũng như các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ và Úc.
Từ khóa: phóng xạ; sừng tê giác; truy vết;
– CMD&DND –