Trang chủ » Xạ trị trên “làn sóng” đổi mới

Xạ trị trên “làn sóng” đổi mới

Ung thư hiện vẫn luôn là nỗi lo đối với nhân loại. Căn bệnh này xuất hiện từ rất lâu theo lịch sử loài người, thể hiện rõ trong các hóa thạch và xác ướp cổ xưa, có mặt trong cả các tác phẩm lịch sử và có thể di truyền từ tổ tiên. Theo các dữ liệu khoa học, trường hợp ung thư lâu đời nhất được ghi nhận có từ hơn 3.500 năm trước ở Ai Cập cổ đại, thậm chí, các nhà khoa học còn tìm thấy khối u ác tính trên xương ngón chân của hóa thạch người 1,7 triệu năm tuổi. Ngày nay, khoa học phát triển đã và đang đưa ra các hình thức điều trị ung thư mới như xạ trị.

Xạ trị là kỹ thuật sử dụng bức xạ ion hóa từ thiết bị bức xạ hoặc nguồn phóng xạ để nhắm mục tiêu và tiêu diệt tế bào ung thư. Để giảm nguy cơ làm tổn thương các mô khỏe mạnh xung quanh, các kỹ thuật mới đang được phát triển nhằm cải thiện độ chính xác của xạ trị. Theo làn sóng đổi mới công nghệ của thế kỷ 21, các công cụ và kỹ thuật như xạ trị cơ thể lập thể, xạ trị phân đoạn không gian và trí tuệ nhân tạo đang làm cho các phương pháp điều trị trở nên hiệu quả hơn với ít tác dụng phụ hơn.

Hình minh họa một khối u di căn vùng bụng-chậu được xạ trị bằng kỹ thuật LATTICE. Trong hình ảnh này, các “bong bóng” màu đỏ tượng trưng cho liều bức xạ cao trực tiếp giết chết các tế bào khối u. Các khu vực xung quanh các bong bóng màu đỏ đại diện cho các khu vực liều thấp hơn, trong đó phản ứng miễn dịch được kích hoạt trong khối u, kích thích sự phá hủy khối u. (Nguồn: Rolando Loria)

Xạ trị lập thể định vị thân

Liệu pháp xạ trị lập thể định vị thân (SBRT) hay xạ trị lập thể là liệu pháp nhắm mục tiêu chính xác. Đây là phương pháp điều trị không xâm lấn, sử dụng chùm bức xạ photon để phá hủy khối u. Các chùm tia phóng xạ nhắm vào khối u từ nhiều điểm khác nhau. Liệu pháp này thường được dùng với 6 – 25 liều xạ, được gọi là các phân liều. SBRT là một kỹ thuật điều trị tiên tiến mới nổi sử dụng liều lượng phóng xạ rất cao. Phương pháp phân liều này hạn chế tác động đến các mô khỏe mạnh xung quanh, làm giảm khả năng xảy ra tác dụng phụ. SBRT cung cấp khả năng chữa bệnh có giá trị cho nhiều loại khối u, bao gồm các trường hợp ở phổi, gan, não và tuyến tụy.

SBRT kiểm soát được khối u di động và thực hiện dưới hướng dẫn hình ảnh nên cho phép điều trị chính xác khối u trong khi vẫn bảo vệ được các cơ quan lành. Phương pháp này có thể điều trị nhiều khối u cùng một lúc và đặc biệt có ưu thế đối với khối u gan nằm ở những vị trí mà các kỹ thuật xạ trị khác khó thực hiện. Hơn nữa, SBRT là phương pháp điều trị an toàn với tác dụng phụ tối thiểu khi được chỉ định đúng và tiến hành ở các trung tâm xạ trị lớn có đội ngũ nhân viên y tế trình độ cao, giàu kinh nghiệm với đầy đủ trang thiết bị cho phép thực hiện kỹ thuật.

Xạ trị SBRT điều trị đồng thời 3 khối u gan – Nguồn: Khoa Xạ trị – Xạ phẫu, Bệnh viện TƯQĐ 108

IAEA đang giúp triển khai kỹ thuật xử lý này ở một số quốc gia thông qua các dự án nghiên cứu phối hợp (CRP) và các dự án hợp tác kỹ thuật. Trong dự án đó, IAEA tiến hành điều tra mức hiệu quả của SBRT trong các trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan không thể phẫu thuật – loại ung thư gan phổ biến nhất và là loại ung thư phổ biến thứ sáu trên thế giới hiện nay. Lisbeth Cordero, bác sĩ điều trị ung thư của IAEA tham gia vào các dự án SBRT cho biết: “Chúng tôi hy vọng kết quả của dự án này sẽ có tác động đến các tiêu chuẩn điều trị hiện tại và sẽ đặc biệt phù hợp với các nước đang phát triển”.

Xạ trị phân đoạn không gian

Liệu pháp xạ trị phân đoạn không gian (SFRT) là kỹ thuật xạ trị cho phép cung cấp liều lượng phóng xạ tương đối cao nhưng khác nhau trên một khối u có kích thước lớn, đồng thời bảo vệ các cơ quan khỏe mạnh xung quanh. Kỹ thuật SFRT, xạ ​​trị dạng lưới, sử dụng một khối mẫu có các lỗ nhỏ cho phép khối u nhận sự kết hợp của các tia phóng xạ liều cao và liều thấp. Xạ trị lưới cũng đạt được hiệu quả tương tự khi sử dụng mô hình trên máy tính. Cordero cho biết: “Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phản hồi tốt khi SFRT áp dụng cho các khối u lớn”. “Mặc dù SFRT đã được sử dụng từ khá lâu, nhưng những tiến bộ công nghệ hiện nay đã cho phép áp dụng kỹ thuật xạ trị như vậy an toàn hơn nhiều.” Năm 2020, IAEA đã khởi xướng CRP về hiệu quả của SFRT trong điều trị giảm nhẹ bệnh ung thư phổi và ung thư cổ tử cung. Dự án nghiên cứu sử dụng SFRT trong việc cải thiện phản ứng của bệnh nhân đối với liệu pháp xạ trị giảm nhẹ – một phương pháp điều trị làm giảm các triệu chứng của bệnh nhân và trì hoãn sự tiến triển của bệnh.

Tái tạo ba chiều của các vùng thể tích liều cao trong một khối u được chiếu xạ. (Nguồn: Rolando Loria)

Ung thư phổi là dạng ung thư phổ biến nhất và nguy hiểm nhất trên toàn thế giới, chiếm 20% tổng số ca tử vong do ung thư, trong khi ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ hai và gây tử vong cao thứ hai ở phụ nữ. SFRT cung cấp liều lượng bức xạ cao mà không vượt quá khả năng chịu đựng của các cấu trúc xung quanh, đặc biệt là da. Điều này đạt được bằng cách hạn chế khối lượng mô tiếp xúc với liều lượng phóng xạ cao. Những tiến bộ công nghệ tiếp tục mở rộng việc sử dụng SFRT thành các dạng độc đáo và có thể sử dụng nhiều hơn như liệu pháp GRID và LATTICE và gần đây là các kỹ thuật SBRT PATHY. Dữ liệu có sẵn cho đến nay, cho thấy hiệu quả của SFRT ngày càng tăng, đặc biệt đối với các khối u lớn.

Trí tuệ nhân tạo trong xạ trị

Một trong những tiến bộ quan trọng trên xạ trị là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các công cụ sử dụng AI có khả năng cải thiện hiệu quả, độ chính xác và đảm bảo chất lượng của xạ trị. Những công cụ như vậy được áp dụng ở tất cả các giai đoạn điều trị cho bệnh nhân, từ chẩn đoán đến điều trị và theo dõi, mang lại những cải tiến chưa từng có trong quá trình tự động hóa. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, AI đã xâm nhập vào nhiều kỹ thuật khác nhau, bao gồm cả kỹ thuật chẩn đoán. Tuy còn một số thách thức khiến nhiều công cụ AI vẫn ở giai đoạn thử nghiệm và chưa được áp dụng lâm sàng, nhưng các nghiên cứu hiện tại và sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà cung cấp thương mại cho thấy tiềm năng của các công cụ AI trong xạ trị. IAEA đã tổ chức cuộc họp chuyên gia vào tháng 10 năm 2021 để thảo luận về các phương pháp tiếp cận dựa trên AI trong công nghệ hạt nhân, bao gồm cả xạ trị. Dự án chung giữa IAEA và Hiệp hội Xạ trị và Ung thư Châu Âu (ESTRO) về kỹ năng phác đồ xạ trị trong môi trường lâm sàng hỗ trợ AI cũng được lên kế hoạch bắt đầu vào năm 2022.

Từ khóa: SFRT; SBRT; xạ trị; trí tuệ nhân tạo;

– CMD&DND –

Cùng chủ đề

Viết một bình luận

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Công ty TNHH thiết bị và dịch vụ khoa học AE

Trụ sở chính tại Hà Nội: Phòng 1411 tòa nhà OCT2, KĐT Xuân Phương Viglacera, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Chi nhánh miền Nam: 154/174C Âu Dương Lân, Phường 3, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh

Chi nhánh miền Trung: Xã Lộc Ninh, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Chi nhánh Bắc Giang: Số 18, Thôn Lực, xã Tân Mỹ, Tp. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

ĐT: 0983374983, Fax: 024366667461

Email: duongcm@ae-rad.vn

Di động: 0983 374 983 (Chu Minh Dương)

LIÊN HỆ TƯ VẤN





    Total Visitors: 132571

    Today's Visitors:5

    0983 374 983