Trang chủ » Chụp cắt lớp CT ở trẻ em: Rủi ro bức xạ

Chụp cắt lớp CT ở trẻ em: Rủi ro bức xạ

Việc sử dụng chụp CT nhi khoa đang ngày một gia tăng nhanh chóng và trở thành công cụ không thể thiếu trong các cơ sở chẩn đoán phục vụ chăm sóc sức khỏe con người. Tuy nhiên, do khả năng tăng bị phơi nhiễm phóng xạ sau các lần chụp, CT đối với trẻ em hiện trở thành mối quan tâm của cộng đồng. Các nhà vật lý y khoa và bác sĩ đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát, đánh giá và đưa ra những cân nhắc đặc biệt về phơi nhiễm phóng xạ ở trẻ em, nguy cơ bức xạ từ CT và chiến lược giảm thiểu phơi nhiễm bức xạ CT cho trẻ em.

CT hiện là công cụ mang lại hiệu quả và khó có thể thay thế trong chẩn đoán bệnh tật và thương tích ở trẻ em. Đối với từng trẻ và từng độ tuổi, rủi ro của CT khác nhau và sự cân bằng giữa rủi ro-lợi ích mang lại hiệu quả nhất định khi được sử dụng một cách thích hợp. Khoảng 5 đến 9 triệu ca chụp CT được thực hiện hàng năm trên trẻ em ở Hoa Kỳ. Việc sử dụng CT ở người lớn và trẻ em đã tăng khoảng 8 lần kể từ năm 1980, với mức tăng trưởng hàng năm ước tính khoảng 10% mỗi năm. Phần lớn sự gia tăng này là do tính hữu ích của CT đối với các bệnh thông thường cũng như cải tiến kỹ thuật trong chăm sóc sức khỏe con người.

Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng CT có nhược điểm là không thể tránh khỏi việc tiếp xúc với bức xạ. Chụp CT chiếm tới khoảng 12% thủ tục chẩn đoán X-quang tại các bệnh viện lớn ở Hoa Kỳ, người ta ước tính rằng chúng chiếm khoảng 49% tổng liều bức xạ của dân số Hoa Kỳ từ tất cả các ca chẩn đoán bằng chụp X-quang y tế. CT là tác nhân lớn nhất gây ra phơi nhiễm bức xạ đối với dân chúng.

Số lượng ca CT trên một triệu người ở các quốc gia (dữ liệu năm 2014). Có 107,1 đơn vị CT trên một triệu người ở Nhật Bản, đây là con số cao nhất trong số các nước phát triển.

Những cân nhắc đặc biệt về việc tiếp xúc với bức xạ ở trẻ em

Tiếp xúc với bức xạ là mối quan tâm ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, có ba điều cần cân nhắc đặc biệt ở trẻ em:

  • Trẻ em nhạy cảm hơn đáng kể với bức xạ so với người lớn, theo các chứng minh trong các nghiên cứu dịch tễ học về dân số bị phơi nhiễm.
  • Trẻ em thời gian sống nhiều hơn người lớn, nên khả năng biểu hiện tổn thương do phóng xạ lớn hơn.
  • Trẻ em có thể nhận được liều bức xạ cao hơn mức cần thiết nếu thiết lập CT không được điều chỉnh cho phù hợp với kích thước cơ thể nhỏ của chúng.

Kết quả là, nguy cơ phát triển bệnh ung thư liên quan đến bức xạ ở trẻ nhỏ có thể cao hơn nhiều lần so với người lớn được chụp CT với số lượng giống hệt nhau. Trong thập kỷ qua, những cải tiến về thiết bị CT đã cho phép thu được hình ảnh tốt hơn với liều lượng thấp hơn. Việc sử dụng các thiết lập thích hợp cũng trở nên phổ biến hơn nhiều, dẫn đến việc giảm liều cho trẻ em. Không cần thiết phải dùng liều cao hơn ở trẻ khi sử dụng các thiết lập thích hợp đó. Dù liều lượng thấp hơn, việc CT nhiều lần cho từng bệnh nhân đều gây ra mối lo ngại đặc biệt. Ngoài ra, việc sử dụng nhiều hơn một lần quét CT (nghĩa là nhiều “pha tương phản”) trong một lần chụp sẽ làm tăng thêm liều bức xạ. Trong phần lớn các trường hợp, chỉ cần chụp CT với một lần quét là đủ.

Sơ đồ hoạt động cơ bản của CT

Rủi ro bức xạ từ CT ở trẻ em

Rất nhiều tổ chức lớn trên thế giới chịu trách nhiệm đánh giá rủi ro bức xạ đều đồng ý rằng không có “ngưỡng” bức xạ liều thấp nào gây ra ung thư. Nói cách khác, không có lượng bức xạ nào được coi là an toàn tuyệt đối. Nghiên cứu đầu tiên đánh giá trực tiếp nguy cơ ung thư sau khi chụp CT ở trẻ em đã tìm thấy mối quan hệ liều lượng rõ ràng đối với cả bệnh bạch cầu và khối u não: nguy cơ tăng lên khi tăng liều bức xạ tích lũy. Đối với liều tích lũy từ 50 đến 60 mGy (mGy là đơn vị liều hấp thụ ước tính của bức xạ ion hóa) vào đầu, các nhà điều tra đã có báo cáo nguy cơ mắc u não tăng gấp ba lần; cùng một liều lượng đối với tủy xương (bộ phận cơ thể chịu trách nhiệm tạo ra các tế bào máu) dẫn đến nguy cơ mắc bệnh bạch cầu tăng gấp ba lần. Đối với cả hai phát hiện trên, các nhà điều tra đã tiến hành so sánh giữa các cá nhân có liều tích lũy dưới 5 mGy ở các vùng liên quan của cơ thể.

Số lần chụp CT cần thiết để có liều tích lũy 50-60mGy tùy thuộc vào loại hình chụp CT, độ tuổi của bệnh nhân và thiết lập máy quét. Nếu thiết lập máy quét hiện tại điển hình được sử dụng cho CT đầu ở trẻ em thì hai đến ba lần chụp CT đầu sẽ dẫn đến liều 50-60mGy tới não. Liều tương tự đối với tủy xương đỏ sẽ được tạo ra từ 5 đến 10 lần chụp CT đầu nếu sử dụng thiết lập máy quét hiện tại cho trẻ em dưới 15 tuổi.

Trước đây, nguy cơ ung thư tiềm tàng do sử dụng CT đã được ước tính bằng cách sử dụng các mô hình dự đoán rủi ro chủ yếu bắt nguồn từ các nghiên cứu về những người sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử ở Nhật Bản. Những rủi ro quan sát được trong nghiên cứu được mô tả ở trên phù hợp với những ước tính trước đó. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là nguy cơ ung thư tuyệt đối liên quan đến chụp CT là rất nhỏ. Nguy cơ ung thư suốt đời do chụp CT, đã được ước tính trong tài liệu sử dụng mô hình dựa trên những người sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử là khoảng 1 trường hợp mắc bệnh ung thư trên 1.000 người được chụp CT, với tỷ lệ mắc bệnh ung thư tối đa khoảng 1 trường hợp cho mỗi 500 người được chụp.

Lợi ích của việc chụp CT được thực hiện đúng cách và hợp lý về mặt lâm sàng phải luôn lớn hơn những rủi ro đối với từng trẻ; tiếp xúc không cần thiết sẽ có liên quan đến rủi ro không cần thiết. Giảm thiểu phơi nhiễm bức xạ từ CT ở trẻ em, bất cứ khi nào có thể, sẽ làm giảm số lượng ​​các bệnh ung thư liên quan đến CT.

Các biện pháp tức thời để giảm thiểu phơi nhiễm bức xạ CT ở trẻ em

Các bác sĩ, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhi khoa, kỹ thuật viên CT, nhà sản xuất CT và các tổ chức y tế, Chính phủ đều có trách nhiệm giảm thiểu liều bức xạ CT cho trẻ em. Một số bước ngay lập tức có thể được thực hiện để giảm lượng bức xạ mà trẻ em nhận được từ việc chụp CT:

Chỉ thực hiện CT khi cần thiết: Sự trao đổi thông tin giữa các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhi khoa và bác sĩ X-quang có thể xác định nhu cầu sử dụng CT và kỹ thuật được sử dụng. Có các chỉ định tiêu chuẩn cho chụp CT ở trẻ em và bác sĩ X-quang nên xem xét lý do trước mỗi lần chụp CT, sẵn sàng tư vấn khi các chỉ định là không chắc chắn. Khi thích hợp, nên xem xét các phương thức khác như siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), không sử dụng bức xạ ion hóa.

Điều chỉnh các thông số phơi nhiễm cho CT nhi khoa dựa trên:

  • Kích thước trẻ em: nên sử dụng hướng dẫn dựa trên thông số kích thước/cân nặng của từng cá nhân.
  • Vùng quét: vùng cơ thể được quét phải được giới hạn ở vùng cần thiết nhỏ nhất.
  • Quét hệ thống cơ quan: nên xem xét thiết lập cường độ mA và/hoặc kVp thấp hơn để chụp ảnh xương, phổi và một số xét nghiệm chụp mạch CT và theo dõi.

Độ phân giải: Hình ảnh chất lượng cao nhất (tức là những hình ảnh cần nhiều bức xạ nhất) không phải lúc nào cũng cần thiết trong chẩn đoán. Trong nhiều trường hợp, chụp có độ phân giải thấp hơn vẫn đảm bảo tác dụng chẩn đoán. Các kỹ thuật viên nên làm quen với các bộ mô tả liều có sẵn trên máy chụp CT và giảm thiểu việc sử dụng các kiểm tra CT sử dụng nhiều lần quét thu được trong các giai đoạn tăng cường độ tương phản khác nhau (kiểm tra nhiều giai đoạn). Việc kiểm tra nhiều giai đoạn này dẫn đến tăng liều đáng kể và hiếm khi cần thiết, đặc biệt là khi chụp ảnh cơ thể (ngực và bụng).

Ngoài các biện pháp trước mắt nhằm giảm phơi nhiễm bức xạ CT ở trẻ em, cũng cần có các chiến lược dài hạn:

  • Khuyến khích phát triển và áp dụng các phác đồ CT ở trẻ em.
  • Khuyến khích sử dụng các chiến lược chọn lọc cho chẩn đoán hình ảnh ở trẻ em, chẳng hạn như đánh giá viêm ruột thừa trước phẫu thuật.
  • Đào tạo thông qua các ấn phẩm tạp chí và hội nghị trong và ngoài chuyên khoa X-quang để tối ưu hóa thiết lập phơi nhiễm và đánh giá nhu cầu chụp CT ở từng bệnh nhân.
  • Phổ biến thông tin thông qua các hiệp hội, tổ chức hoặc hiệp hội liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.
  • Cung cấp các nguồn thông tin sẵn có về An toàn Bức xạ trong Hình ảnh Nhi khoa.
  • Tiến hành nghiên cứu sâu hơn để xác định mối quan hệ giữa chất lượng và liều lượng CT, tùy chỉnh chức năng chụp CT cho từng trẻ và làm rõ hơn mối quan hệ giữa bức xạ CT và nguy cơ ung thư.

Từ khóa: CT; rủi ro bức xạ; an toàn bức xạ;

– CMD&DND –

Cùng chủ đề

Viết một bình luận

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Công ty TNHH thiết bị và dịch vụ khoa học AE

Trụ sở chính tại Hà Nội: Phòng 1411 tòa nhà OCT2, KĐT Xuân Phương Viglacera, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Chi nhánh miền Nam: 154/174C Âu Dương Lân, Phường 3, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh

Chi nhánh miền Trung: Xã Lộc Ninh, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Chi nhánh Bắc Giang: Số 18, Thôn Lực, xã Tân Mỹ, Tp. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

ĐT: 0983374983, Fax: 024366667461

Email: duongcm@ae-rad.vn

Di động: 0983 374 983 (Chu Minh Dương)

LIÊN HỆ TƯ VẤN





    Total Visitors: 108209

    Today's Visitors:44

    0983 374 983