Quá trình axit hóa đại dương là hậu quả của việc gia tăng lượng khí thải carbon dioxide (CO2), loại khí nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu. Đại dương hấp thụ khoảng một phần ba tổng lượng CO2 do con người tạo ra và bị biến đổi tính hóa học của nước biển. Quá trình này được gọi là axit hóa đại dương. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sinh vật biển, sức khỏe hệ sinh thái và những người có sinh kế phụ thuộc vào đại dương. Công nghệ hạt nhân giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình này.
(Nguồn: A. Vargas Terrones /IAEA)
Khi CO2 hòa tan vào nước biển, nó tạo thành axit cacbonic (H2CO3), giải phóng các ion hydro (H +) và làm tăng tính axit của nước biển. Tính axit đóng một vai trò quan trọng trong nhiều cơ chế sinh học, bao gồm cả quá trình canxi hóa. Canxi cacbonat (CaCO3) rất quan trọng đối với các sinh vật cần canxi để phát triển, tái tạo và duy trì lớp vỏ và xương của chúng, như một số loại sinh vật phù du, hàu, cua, nhím biển và tôm. Quá trình axit hóa đại dương khiến chúng khó duy trì các cấu trúc đã bị vôi hóa này. Điều này có thể gây ra sự gián đoạn trong chuỗi thức ăn.
(Nguồn: A. Vargas Terrones /IAEA)
Quá trình axit hóa đại dương cũng có thể tác động đến khả năng phục hồi của các rạn san hô sau sự ấm lên và các tác nhân gây ảnh hưởng khác, khiến san hô khó tái tạo bộ xương canxi. Quá trình axit hóa đại dương tác động đến cả các cộng đồng sống nhỏ ven biển và các ngành công nghiệp lớn như việc gây hại cho nuôi trồng thủy sản và du lịch, làm giảm thực phẩm và thu nhập.
(Nguồn: A. Vargas Terrones /IAEA)
Người ta ước tính rằng có tới ba tỷ người sống phụ thuộc vào đa dạng sinh học biển và ven biển có thể bị ảnh hưởng bởi quá trình axit hóa đại dương. Các ngành công nghiệp có liên quan tới động vật có vỏ lớn cũng bị đe dọa. Mặc dù quan trọng là phải phát triển các giải pháp thích ứng, nhưng việc giải quyết gốc rễ của vấn đề – lượng khí thải CO2 không suy giảm từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch lại đóng vai trò then chốt.
(Nguồn: A. Vargas Terrones /IAEA)
Để phát triển và thực hiện các giải pháp, điều quan trọng là phải hiểu rõ hơn về các tác động sinh học của quá trình axit hóa đại dương. Các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị được sử dụng như những công cụ chính để hiểu rõ hơn về các quá trình này. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các kỹ thuật đó, cũng như để khuyến khích sự hợp tác, phối hợp và truyền thông liên quan đến các hoạt động quốc tế về axit hóa đại dương, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã thành lập Trung tâm điều phối quốc tế về axit hóa đại dương (OA-ICC). Trung tâm tập hợp các nhà nghiên cứu và các tổ chức từ khắp nơi trên thế giới tập trung vào việc nâng cao năng lực khoa học, các hoạt động tiếp cận và truyền thông, nhằm thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên khoa học để ra quyết định trong việc giải quyết vấn đề toàn cầu này. Mục tiêu của OA-ICC bao gồm: Tổ chức các khóa đào tạo trên khắp thế giới; Cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu; quản lý CSDL mở, chuyên dụng, cung cấp lượng ổn định các báo cáo khoa học, các phương tiện truyền thông, chính sách và các tài liệu khác về axit hóa đại dương; Thúc đẩy sự phát triển của các cổng dữ liệu, các phương pháp luận được tiêu chuẩn hóa và các phương pháp tốt nhất; Nâng cao nhận thức của các bên liên quan và thông báo cho họ về vai trò của các kỹ thuật hạt nhân và đồng vị có thể đóng trong việc đánh giá các tác động của axit hóa đại dương; Hỗ trợ Mạng lưới quan sát axit hóa đại dương toàn cầu (GOA-ON).
Từ khóa: Kỹ thuật hạt nhân; đồng vị; axit hóa đại dương;
– CMD&DND –