Trang chủ » Nhiễm độc phóng xạ: Triệu chứng và Xử lý

Nhiễm độc phóng xạ: Triệu chứng và Xử lý

Nhiễm độc phóng xạ hay ngộ độc phóng xạ xảy ra khi bạn tiếp xúc với liều lượng phóng xạ cao, giống như mức liều từ việc nuốt phải chất phóng xạ hay bị chiếu xạ từ các vụ nổ hạt nhân gây ra. Các triệu chứng ban đầu bao gồm buồn nôn và nôn, sau đó là tổn thương nội tạng. Phóng xạ có thể làm hỏng DNA trong tế bào con người. Nhiễm độc phóng xạ là một bệnh lý cực kỳ hiếm xảy ra và chỉ xảy ra khi tiếp xúc với lượng phóng xạ cao trong thời gian ngắn. Lượng phóng xạ tiếp xúc trong quá trình chụp X-quang, điều trị ung thư và các thủ thuật y tế khác gần như không đủ cao để gây nhiễm độc phóng xạ.

Nhiễm độc phóng xạ là thuật ngữ thường được dùng để chỉ hội chứng bức xạ cấp tính, xảy ra sau khi tiếp xúc với liều phóng xạ cao ở mức độc hại. Hội chứng bức xạ cấp tính được mô tả gốm các dấu hiệu và triệu chứng tổn thương nghiêm trọng đối với các hệ cơ quan sau khi tiếp xúc với bức xạ. Nhiễm độc phóng xạ xảy ra và nghiêm trọng tỷ lệ thuận với liều lượng phóng xạ.

Các nhà khoa học đo lượng bức xạ mà một người hấp thụ bằng hai đơn vị gọi là Gray (Gy) và rads. Liều phóng xạ hơn 0,7 Gy hay 70 rads, có thể gây nhiễm độc phóng xạ (0,75 Gy gần tương đương với việc nhận 18.000 lần chụp X-quang ngực trong cùng thời gian). Các triệu chứng nhiễm độc phóng xạ nhẹ có thể bắt đầu ở mức hấp thụ thấp từ 0,3 Gy hoặc 30 rads. Tuy nhiên, nói một cách tương đối thì con người phải có tiếp xúc phóng xạ ở mức độ rất cao.

Nhìn chung, nhiễm độc phóng xạ không xảy ra trừ khi:

  • Bức xạ trực tiếp đến các cơ quan nội tạng;
  • Diện tích lớn cơ thể tiếp xúc với bức xạ.
  • Lượng phóng xạ lớn nhận được trong một thời gian ngắn, thường là trong vòng vài phút.

Triệu chứng nhiễm độc phóng xạ

Nhiễm độc phóng xạ phát triển trong bốn giai đoạn:

  • Giai đoạn báo trước: Các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy có thể xuất hiện trong vòng vài phút đến vài ngày sau khi tiếp xúc.
  • Giai đoạn tiềm ẩn: Các triệu chứng giảm dần trong giai đoạn tiềm ẩn và nhìn chung cơ thể cảm thấy khỏe mạnh trong vài giờ đến vài tuần.
  • Giai đoạn bệnh biểu hiện: Các triệu chứng phát triển trở lại trong giai đoạn bệnh biểu hiện. Các triệu chứng cụ thể phụ thuộc vào hệ thống cơ quan nào bị ảnh hưởng.
  • Hồi phục hoặc tử vong: Quá trình hồi phục có thể kéo dài vài tuần cho đến vài năm. Tuy nhiên, hầu hết con người sẽ chết nếu không hồi phục trong vòng vài tháng.

Triệu chứng ban đầu: Các triệu chứng nhiễm độc phóng xạ thường phát triển ngay sau khi tiếp xúc và có thể bao gồm: Buồn nôn và nôn mửa; Đau đầu; Chóng mặt; Cơ thể yếu đuối; Mệt mỏi; Chảy máu; Rụng tóc; Sưng tấy; Ngứa; Đỏ da và một số vấn đề về da khác. Cụ thể triệu trứng theo mức độ phơi nhiễm:

  • Phơi nhiễm ở mức độ trung bình (trên mức 1Gy): Sau một vài giờ bị nhiễm phóng xạ, cơ thể xuất hiện những dấu hiệu như buồn nôn và nôn mửa, tiếp sau đó những triệu chứng như đau đầu, sốt và tiêu chảy cũng bắt đầu xuất hiện. Những triệu chứng ban đầu đó có thể gần như không xuất hiện hoặc hầu như không có các biểu hiện bất thường khác sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, trải qua vài tuần, người bị phơi nhiễm phóng xạ sẽ nhận thấy được những triệu chứng mới xuất hiện với sự ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến sức khỏe.
  • Phơi nhiễm ở mức độ cao hơn (trên mức 2Gy): Đối với những trường hợp phơi nhiễm ở mức cao hơn, toàn bộ những triệu chứng kể trên có thể gần như xảy ra ngay lập tức. Bên cạnh đó, các cơ quan trong cơ thể cũng bắt đầu xảy ra những tổn thương đồng loạt một cách nhanh chóng. Điều đó là nguyên nhân dẫn đến kết quả xấu nhất là tử vong. Trong cơ thể người, các cơ quan dễ bị tổn thương nhất do phơi nhiễm phóng xạ chính là các mô thuộc dạ dày và ruột cùng với các tế bào ở tủy xương giúp sinh sản máu. Đối với một người lớn có sức khỏe tốt, theo kết quả ghi nhận thông thường, tình trạng tử vong sẽ diễn ra trong vòng 30 phút nếu như người đó nhiễm phóng xạ ở mức 4 Gy. Người phơi nhiễm có thể tiềm ẩn những bệnh lý khác về lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe và có nguy cơ tử vong. Sự tiếp xúc với lượng bức xạ cao cũng có thể gây các căn bệnh ung thư.

Hội chứng nhiễm độc phóng xạ: Có 3 hội chứng kinh điển liên quan đến nhiễm độc phóng xạ, bao gồm:

  • Hội chứng tủy xương: Hội chứng tủy xương được đặc trưng bởi sự phá hủy các tế bào trong tủy xương. Hội chứng này thường xảy ra sau khi tiếp xúc với 0,7 đến 10 Gy, nhưng các triệu chứng nhẹ có thể bắt đầu ở 0,3 Gy.
  • Hội chứng tiêu hóa: Hội chứng tiêu hóa thường xảy ra ở mức độ trên 10 Gy, nhưng một số triệu chứng có thể xuất hiện ở mức độ 6 Gy. Hội chứng này được đặc trưng bởi sự phá hủy đường tiêu hóa, mất nước và mất cân bằng điện giải. Việc có thể sống sót từ hội chứng này là không thể.
  • Hội chứng tim mạch và thần kinh trung ương: Hội chứng này thường xảy ra ở liều trên 50 Gy nhưng đôi khi có thể xảy ra ở liều thấp 20 Gy. Cái chết xảy ra trong vòng 3 ngày, thường là do hệ thống tuần hoàn bị phá hủy.

Nguyên nhân nhiễm độc phóng xạ

Nhiễm độc phóng xạ là rất hiếm, thường xảy ra:

  • Các sự kiện cực đoan như vụ nổ hạt nhân;
  • Trực tiếp xử lý chất phóng xạ hoạt độ cao;
  • Tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm phóng xạ.

Vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986 và vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945 là hai ví dụ về các sự kiện khiến con người tiếp xúc với lượng phóng xạ gây chết người. Khả năng bị nhiễm độc phóng xạ càng cao khi càng ở gần vụ nổ hạt nhân. Tia X và thiết bị y tế không khiến con người tiếp xúc với đủ bức xạ để gây nhiễm độc phóng xạ, nhưng việc tiếp xúc nhiều lần có thể làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư trong suốt cuộc đời.

Khử nhiễm và phòng ngừa: Khử nhiễm càng sớm càng tốt sau sự kiện hạt nhân có thể giúp giảm phơi nhiễm phóng xạ. Cởi bỏ quần áo và rửa cơ thể bằng nước xà phòng có thể loại bỏ phần lớn ô nhiễm phóng xạ. Chỉ với việc cởi bỏ quần áo bị ô nhiễm có thể giảm 80% khả năng phơi nhiễm. Sau khi đã thực hiện các bước giảm thiểu bức xạ có thể nhiễm vào người thì cần dùng thêm viên nén i-ốt kali. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm i-ốt phóng xạ, một loại i-ốt độc hại. Bởi vì khi cung cấp i-ốt kali thì nó sẽ đọng lại ở tuyến giáp của người giúp bão hòa khả năng hấp thụ i-ốt từ đó ngăn ngừa sự ngưng đọng của i-ốt độc hại trên tuyến giáp.

Một số biện pháp phóng ngừa khuyến nghị:

  • Cởi quần áo nếu có thể trước khi vào nhà
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp bằng tay nếu không cần thiết và tránh nhai kẹo cao su hoặc hút thuốc cho đến sau khi khử nhiễm
  • Tắm bằng nước ấm và xà phòng
  • Xì mũi nhẹ nhàng, lau mi mắt và ngoáy tai
  • Thay quần áo sạch
  • Rửa sạch bồn tắm hoặc vòi hoa sen
  • Lắng nghe hướng dẫn từ các quan chức y tế công cộng trong khu vực

Viên nén i-ốt kali

Nếu đang trong trường hợp khẩn cấp về nhiễm bức xạ, có thể giảm rủi ro bằng cách thực hiện các bước sau:

  • Vào bên trong nhà, đóng và khóa cửa sổ và cửa ra vào.
  • Đi đến giữa nhà hoặc tầng hầm, tránh xa cửa ra vào và cửa sổ.
  • Tắm vòi hoa sen hoặc lau các bộ phận hở trên cơ thể bằng khăn ẩm.
  • Uống nước đóng chai và ăn thức ăn đựng trong hộp kín.
  • Lắng nghe tin tức từ các kênh thông tin để hiểu điều gì đang xảy ra.

Biện pháp xử lý cơ bản: Việc kiểm tra y tế là điều cần thiết khi nghi ngờ bản thân bị phơi nhiễm phóng xạ mức cao từ những sự cố hạt nhân. Tại các cơ sở y tế, người nghi nhiễm độc phóng xạ sẽ được thực hiện những thủ tục sau để xác định lượng bức xạ mà cơ thể đã hấp thụ và tiến hành điều trị:

  • Xác định nguyên nhân phơi nhiễm: Khám nghi ngờ bị phơi nhiễm phóng xạ, bác sĩ sẽ yêu cầu cung cấp các thông tin chi tiết về tình hình người nhiễm như khoảng cách với nguồn phóng xạ, thời gian ước tính phơi nhiễm. Thông qua những thông tin đó, bác sĩ sẽ có những xác định sơ bộ về mức độ nghiêm trọng đối với tình trạng phơi nhiễm.
  • Xác định thời gian xuất hiện các triệu chứng ban đầu: Đây là điểm mấu chốt để biết được mức độ ảnh hưởng của phóng xạ đối với cơ thể người nhiễm. Thời gian xuất hiện triệu chứng đầu so với thời điểm phơi nhiễm càng ngắn thì mức độ càng nghiêm trọng.
  • Thực hiện xét nghiệm máu: Trong quá trình điều trị, người nhiễm sẽ được thực hiện xét nghiệm máu trong nhiều ngày một cách thường xuyên để giúp tìm được những tế bào bạch cầu trong máu có khả năng chống lại được sự thay đổi bất thường của ADN và những biến chứng khác.

  • Đo liều bức xạ: Máy đo liều bức xạ có thể đo được liều bức xạ hấp thụ khi được tiếp xúc với nguồn phóng xạ tương đương như người bị ảnh hưởng.
  • Máy đo khảo sát (survey meter): Một thiết bị như bộ đếm Geiger có thể được sử dụng để xác định vị trí của các hạt bức xạ trong cơ thể.
  • Loại bức xạ: Xác định được loại phóng xạ phơi nhiễm sẽ giúp đưa ra hướng dẫn điều trị phù hợp cho người nhiễm.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra mức độ tổn thương của tủy xương để đưa ra phác đồ điều trị. Những phương pháp điều trị nhiễm độc phóng xạ được các bác sĩ sử dụng có thể kể đến theo trình tự:

  • Khử nhiễm: Khử nhiễm là quá trình loại bỏ hạt phóng xạ ở bên ngoài. Cởi bỏ quần áo và giày giúp loại bớt 80% sự nhiễm phóng xạ bên ngoài, có thể loại đi các hạt phóng xạ ra khỏi da bằng cách rửa dưới vòi nước với xà phòng. Khử nhiễm sẽ ngăn chặn các chất phóng xạ lan ra rộng hơn. Cách này cũng làm giảm nguy cơ nhiễm phóng xạ vào trong cơ thể do hít phải, nuốt phải hay qua vết thương hở.
  • Điều trị tủy xương: Một protein có tên gọi yếu tố kích thích bạch cầu hạt để thúc đẩy quá trình phát triển các tế bào bạch cầu, từ đó có khả năng chống lại tác động của nhiễm độc phóng xạ đến tủy xương. Việc điều trị bằng thuốc sẽ dựa trên loại protein bao gồm filgrastim, sargramostim và pegfilgrastim, có thể làm tăng sản xuất tế bào bạch cầu, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng sau này. Nếu bị tổn thương nghiêm trọng đến tủy xương, bác sĩ sẽ chỉ định truyền hồng cầu hoặc tiểu cầu.
  • Điều trị nhiễm độc bên trong: Một số phương pháp điều trị có thể giảm bớt tổn thương cho các cơ quan nội tạng do các hạt phóng xạ gây ra. Bác sĩ sẽ chỉ sử dụng các phương pháp này nếu bạn đã tiếp xúc với một loại phóng xạ cụ thể, bao gồm: I-ốt kali, là dạng không phóng xạ của iod (iốt), khi dùng kali iodid sẽ gắn vào các chỗ trống trong tuyến giáp và ngăn chặn sự hấp thụ chất phóng xạ; Xanh Prussian (Prussian blue) sẽ liên kết với các hạt của nguyên tố phóng xạ cesi và thalli, sau đó bài tiết các hạt phóng xạ qua phân. Phương pháp điều trị này làm tăng tốc độ đào thải các hạt phóng xạ và giảm thiểu lượng bức xạ mà tế bào có thể hấp thụ; Diethylenetriamine pentaacetic acid (DTPA) có khả năng liên kết với kim loại, liên kết với hạt phóng xạ của nguyên tố plutoni, americi và curi. Các hạt phóng xạ sau đó khi ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, do đó làm giảm lượng bức xạ hấp thụ.
  • Điều trị hỗ trợ các biến chứng: Bác sĩ có thể cho thêm thuốc hoặc các phương pháp can thiệp khác để hỗ trợ điều trị: Nhiễm khuẩn, đau đầu, sốt, tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa, mất nước, bỏng, lở loét…
  • Chăm sóc hậu điều trị.

Trên thực tế, mục tiêu của việc điều trị nhiễm độc phóng xạ là ngăn chặn việc tình trạng bệnh nặng hơn và điều trị những biến chứng mang nguy cơ đe dọa tính mạng của người nhiễm.

Ảnh hưởng lâu dài của nhiễm độc phóng xạ

Tiếp xúc với mức độ phóng xạ cao có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề lâu dài như ung thư hoặc bệnh tim mạch. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ung thư máu (bệnh bạch cầu) có thể hình thành trong vòng 2 năm sau khi tiếp xúc với bức xạ, nhưng các khối u ung thư thường không xuất hiện cho đến ít nhất 10 năm sau khi tiếp xúc. Nhóm 94.000 người sống sót ở Hiroshima và Nagasaki đã được nghiên cứu trong nhiều năm để hiểu tác động của việc phơi nhiễm phóng xạ. Trong số tất cả những người sống sót mắc bệnh bạch cầu, bệnh bạch cầu chỉ chiếm ở khoảng 1/3 trong số người bị phơi nhiễm phóng xạ.

Tỷ lệ ung thư tuyến giáp ở trẻ em và thanh thiếu niên sống xung quanh vụ nổ Chernobyl cao hơn khoảng 100 lần so với các khu vực khác. Nguy cơ phát triển ung thư tăng lên khi tiếp xúc với bức xạ ngày càng tăng. Liều 0,005 đến 0,1 Gy được cho là làm tăng nguy cơ ung thư lên 2%, nhưng nguy cơ sẽ tăng cao hơn 60% với liều hơn 2 Gy.

Từ khóa: phóng xạ; ngộ độc; hội chứng nhiễm độc;

– CMD&DND –

Cùng chủ đề

Viết một bình luận

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Công ty TNHH thiết bị và dịch vụ khoa học AE

Trụ sở chính tại Hà Nội: Phòng 1411 tòa nhà OCT2, KĐT Xuân Phương Viglacera, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Chi nhánh miền Nam: 154/174C Âu Dương Lân, Phường 3, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh

Chi nhánh miền Trung: Xã Lộc Ninh, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Chi nhánh Bắc Giang: Số 18, Thôn Lực, xã Tân Mỹ, Tp. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

ĐT: 0983374983, Fax: 024366667461

Email: duongcm@ae-rad.vn

Di động: 0983 374 983 (Chu Minh Dương)

LIÊN HỆ TƯ VẤN





    Total Visitors: 122704

    Today's Visitors:38

    0983 374 983