Trang chủ » Biểu tượng bức xạ ion hóa – Có thể bạn chưa biết?

Biểu tượng bức xạ ion hóa – Có thể bạn chưa biết?

Biểu tượng bức xạ ion hóa được thiết kế hình cây ba lá gồm ba lưỡi cong xuất phát từ điểm trung tâm của một đường tròn. Biểu tượng này đã được sử dụng từ năm 1946 để cảnh báo cho mọi đối tượng về sự hiện diện của nguồn bức xạ. Kể từ đó, hình cây ba lá đặc biệt đã trở thành một biểu tượng được quốc tế công nhận. Biểu tượng bức xạ ion hóa có thể thấy mọi địa điểm có bức xạ ion hóa hoặc nguồn phóng xạ, kể cả trong các đồ vật, thiết bị, cơ sở hoặc phương tiện giao thông. Nó nhằm mục đích cảnh báo về nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ cho những người làm việc với các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ như trong y tế có máy chụp cắt lớp vi tính dùng để chẩn đoán và điều trị bệnh. Nó cũng báo hiệu việc sử dụng đồng vị phóng xạ, phát ra bức xạ ion hóa, trong các ứng dụng công nghiệp, nông nghiệp và cho mục đích nghiên cứu.

Vòng tròn ở giữa hình ba lá tượng trưng cho một nguyên tử và các lưỡi cong tượng trưng cho ba loại bức xạ ion hóa phổ biến phát ra là alpha (α), beta (β) và gamma (γ). Biểu tượng này được thiết kế lần đầu tiên vào năm 1946 tại Phòng thí nghiệm Bức xạ của Đại học California ở Berkeley. Bảng màu ban đầu là màu đỏ tươi trên nền xanh lam, nhưng bảng màu này đã được thay đổi sau khi các chuyên gia nhận thấy rằng mọi người không liên tưởng màu xanh lam với sự nguy hiểm. Các nhà khoa học nhận thấy màu vàng là màu bắt mắt nhất.

Biểu tượng bức xạ ion hóa cho biết sự hiện diện của bức xạ ion hóa và nguồn phóng xạ (Nguồn ảnh: IAEA).

Vào đầu những năm 1950, những sửa đổi thiết kế khác nhau đã được phát triển, như bổ sung các mũi tên thẳng hoặc lượn sóng giữa hoặc bên trong các lưỡi cong. Vào cuối những năm 1950, Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ (ANSI) đã hệ thống hóa phiên bản chính thức – màu đỏ tươi trên nền vàng, ngày nay vẫn được sử dụng ở Hoa Kỳ. Ở các quốc gia khác, biểu tượng màu đen trên màu vàng là sự kết hợp màu sắc phổ biến nhất. Vào năm 2011, hình cây ba lá đã được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đăng ký để được quốc tế công nhận là “Cảnh báo: Ký hiệu vật liệu phóng xạ hoặc bức xạ ion hóa”.

Biểu tượng bức xạ ion hóa được quốc tế tiêu chuẩn hóa có ba đoạn lưỡi cách đều với vòng tròn trung tâm, có hình màu đen trên nền màu vàng (Nguồn ảnh: M.Platonova/ IAEA).

Biểu tượng hình ba lá ban đầu được tạo ra để đánh dấu vật liệu phóng xạ được sử dụng trong môi trường được kiểm soát, chẳng hạn như phòng thí nghiệm, nơi những người có quyền tiếp cận vào các vật liệu đó, đều biết ý nghĩa của nó. Qua nhiều năm, việc sử dụng chất phóng xạ trong y học, nông nghiệp và công nghiệp ngày càng trở nên phổ biến. Do đó, vật liệu phóng xạ hoặc thiết bị phát bức xạ có thể được tìm thấy không chỉ trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu và nhà máy điện hạt nhân mà còn trong bệnh viện cũng như trong các thiết bị công nghiệp, như thiết bị an ninh tia X được sử dụng trong sân bay.

Trước đây, do thiếu hiểu biết nên con người có các hoạt động nguy hiểm cho bản thân và người khác vì không hiểu ý nghĩa của biểu tượng này. Trong một số trường hợp, những người thu gom phế liệu kim loại và công nhân xây dựng đã bị phơi nhiễm phóng xạ khi lấy và xử lý các nguồn phóng xạ bị thất lạc mà họ tìm thấy ở các bãi phế liệu hoặc trên công trường xây dựng vì họ không hiểu “biển cảnh báo”. Để cải thiện an toàn và an ninh hạt nhân, năm 2007, IAEA và Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã giới thiệu một biểu tượng bổ sung được thiết kế để mọi người hiểu là “Nguy hiểm – Chạy – Không chạm vào!”. Để xác định biểu tượng nào sẽ truyền tải rủi ro bức xạ tới công chúng tốt hơn, IAEA đã tiến hành một cuộc khảo sát trên 11 quốc gia ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Kết quả là “Cảnh báo bức xạ ion hóa – Biểu tượng bổ sung”, một hình tam giác màu đỏ mô tả sóng bức xạ, hộp sọ và hình người đang chạy. Nó được ra mắt như một sự bổ sung cho biểu tượng bức xạ ion hóa được sử dụng phổ biến hơn với mục đích giảm hơn nữa khả năng vô tình tiếp xúc với bức xạ ion hóa.

Biểu tượng bức xạ ion hóa được tạo ra lần đầu tiên vào năm 1946 tại Mỹ và đã được điều chỉnh (Nguồn ảnh: M.Platonova/IAEA).

Ký hiệu bổ sung được sử dụng cho các nguồn phóng xạ hoạt độ cao, chẳng hạn như các nguồn được xác định trong loại 1, 2 và 3 của IAEA và việc tiếp xúc với chúng có thể gây tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng. IAEA cũng khuyến nghị không nên đặt biểu tượng này trên bề mặt bên ngoài của kiện hàng vận chuyển, container chở hàng, phương tiện vận chuyển hoặc lối vào tòa nhà mà nên sử dụng cho các nguồn phóng xạ, tấm chắn bức xạ hoặc đặt dưới vỏ thiết bị. Điều này có nghĩa là biểu tượng này không thực sự nhìn thấy được trong quá trình sử dụng bình thường, nhưng nó có thể được nhìn thấy trước khi tháo dỡ nguồn phóng xạ kín, như một cảnh báo cuối cùng để tránh tiếp xúc với bức xạ ion hóa. Mục đích là hoạt động như một cảnh báo thứ cấp trong trường hợp biểu tượng hình cây ba lá thường được sử dụng bên ngoài không hoạt động được.

Từ khóa: bức xạ; ion hóa; biển báo; cảnh báo;

– CMD&DND –

Cùng chủ đề

Viết một bình luận

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Công ty TNHH thiết bị và dịch vụ khoa học AE

Trụ sở chính tại Hà Nội: Phòng 1411 tòa nhà OCT2, KĐT Xuân Phương Viglacera, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Chi nhánh miền Nam: 154/174C Âu Dương Lân, Phường 3, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh

Chi nhánh miền Trung: Xã Lộc Ninh, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Chi nhánh Bắc Giang: Số 18, Thôn Lực, xã Tân Mỹ, Tp. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

ĐT: 0983374983, Fax: 024366667461

Email: duongcm@ae-rad.vn

Di động: 0983 374 983 (Chu Minh Dương)

LIÊN HỆ TƯ VẤN





    Total Visitors: 122703

    Today's Visitors:37

    0983 374 983