Trang chủ » Kỹ thuật tiệt sinh côn trùng (SIT)

Kỹ thuật tiệt sinh côn trùng (SIT)

Kỹ thuật tiệt sinh côn trùng là một trong những phương pháp kiểm soát côn trùng gây hại, thân thiện với môi trường, liên quan đến việc nuôi – khử trùng hàng loạt. Kỹ thuật tiệt sinh côn trùng (SIT) sử dụng bức xạ như tia gamma và tia X, để làm vô sinh côn trùng trên diện rộng, ngăn sự sinh sôi của chúng trong tự nhiên. SIT không liên quan đến các quy trình chuyển đổi gen (kỹ thuật di truyền).

Thanh long là loại trái cây có nguồn gốc từ Mêxico, các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ. Hiện nay, thanh long đã có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, thanh long được trồng và xuất khẩu sang khoảng 40 quốc gia trên thế giới với lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với lúa gạo. Thanh long sinh trưởng và cho quả quanh năm, với thời gian cho mỗi vụ chỉ khoảng 10 tuần. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại trái cây khác, thanh long cũng chịu một số tác nhân gây hại, đặc biệt là ruồi đục quả Bactrocera dorsalis Hendel và Bactrocera correcta Bezzi.

Ruồi đục quả thanh long

Ruồi đục quả được ghi nhận là nhóm gây nguy hiểm và là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Với đặc tính gây hại cho nhiều loại trái bao gồm cả nhóm cây ăn quả và rau, khả năng di động, thích ứng được với nhiều vùng khí hậu, nên ruồi đục quả được xếp vào nhóm dịch hại phải kiểm dịch của nhiều quốc gia. Cho đến hiện nay, các thị trường nhập khẩu thanh long như Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn cảnh báo sẽ dừng nhập khẩu thanh long của Việt Nam nếu phát hiện có ruồi đục quả trong trái thanh long. Đồng thời với cảnh báo này, các nhà nhập khẩu cũng yêu cầu trái thanh long phải được xử lý trước khi xuất đi, chẳng hạn như Mỹ yêu cầu thanh long phải được chiếu xạ, Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc lại buộc thanh long phải được xử lý bằng hơi nước nóng. Hơn thế nữa, họ đề nghị người sản xuất ngay từ khâu quản lý đồng ruộng phải có các biện pháp hữu hiệu để phòng trừ ruồi đục quả.

Với sự đa dạng về điều kiện khí hậu và đất đai, Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển các chủng loại cây ăn quả, trong đó nhiều sản phẩm đặc sản có tiềm năng xuất khẩu. Tuy nhiên, sản lượng và chất lượng cũng như giá trị kinh tế bị ảnh hưởng đáng kể do sự gây hại của các loài côn trùng, đặc biệt là các loài ruồi đục quả. Ở các vùng Tây Bắc Việt Nam, nơi có thế mạnh cho nhóm trái cây ôn đới và nhiệt đới, luôn ẩn chứa nguy cơ thiệt hại lên tới 100% do ruồi đục quả. Ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi vựa trái cây của cả nước và cùng với việc thu hoạch rải vụ quanh năm đã là nơi lý tưởng cho sự sinh trưởng, phát triển và gây hại của ruồi đục quả. Kết quả nghiên cứu cho thấy cây xoài cát Hòa Lộc không phun thuốc phòng trừ ruồi đục quả trong mùa khô thì tỉ lệ bị ruồi hại lên đến 80-85%.

Kỹ thuật tiệt sinh côn trùng (SIT)

Kỹ thuật tiệt sinh côn trùng là hình thức kiểm soát côn trùng sử dụng bức xạ ion hóa để tiệt sinh (bất dục) con đực, sau đó thả con đực bất dục vào các khu vực canh tác (trồng trọt cây ăn quả), tại đây, chúng giao phối với côn trùng tự nhiên nhưng không sinh ra con cái. Kết quả là, kỹ thuật này ngăn chặn và trong một số trường hợp có thể tiêu diệt được các loài côn trùng gây hại. Kỹ thuật này đã được sử dụng thành công tại hơn 40 quốc gia đối với các loài sâu bọ gây hại nông nghiệp, như ruồi giấm, ruồi Glossina, ruồi Screwworm, ruồi đục quả, bướm đêm và được nghiên cứu ứng dụng đối với chủng muỗi Aedes trong bối cảnh dịch bệnh Zika. SIT là một trong những kỹ thuật thân thiện với môi trường nhất từng được phát triển để kiểm soát côn trùng.

Nguyên lý cơ bản của SIT là: Trứng được thu thập và đặt trên khay nơi trứng nở thành ấu trùng. Sau khi trưởng thành thành nhộng, nhộng được đánh dấu bằng thuốc màu đặc biệt và được chiếu xạ bằng tia X. Nhộng sau chiếu xạ bị vô sinh sẽ được vận chuyển đến các cơ sở ấp. Khi ruồi chui ra khỏi vỏ nhộng đều là ruồi đực và được chứa trong các thùng chứa, vận chuyển đến khu vực cần tiêu diệt côn trùng dịch hại. Ruồi được thả ra và để hoạt động tự nhiên, chúng sẽ giao phối bình thường với ruồi cái nhưng trứng sẽ không nở thành ấu trùng mới và không gây hại cho quả.

Phương pháp này được hình thành từ những năm 1930-1940 với mục đích kiểm soát dịch côn trùng hại cây nông nghiệp. Tuy nhiên, chỉ đến những năm 1950 khi các nhà khoa học khám phá ra phóng xạ có thể gây đột biến côn trùng thì kỹ thuật SIT mới được phát triển. Tính đến nay, SIT đã được ứng dụng để kiểm soát nhiều loài ruồi đục quả tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Mexico, Braxin, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Tunisia, Thái lan, ….đặc biệt là mô hình triệt sản loài ruồi Địa trung hải Ceratitis capitata được triển khai trên phạm vi liên quốc gia, kéo dài từ Trung Mỹ đến Mexico.

Lợi ích của SIT

SIT được phát triển và sử dụng thành công trong hơn 60 năm, trên sáu lục địa. SIT đang được triển khai như một thành phần của quản lý dịch hại tổng hợp trên diện rộng: khoanh vùng, diệt trừ, ngăn chặn và phòng ngừa. Công ước Bảo vệ Thực vật Quốc tế đã phân loại côn trùng vô sinh là sinh vật có ích. SIT khác với kiểm soát sinh học cổ điển (đưa vào các tác nhân kiểm soát sinh học không có nguồn gốc), SIT mang đến nhiều ưu điểm như:

– Côn trùng vô sinh từ SIT không tự sinh sản, nhân bản và do đó không thể hình thành trong môi trường tự nhiên;

– SIT phá vỡ chu kỳ sinh sản của côn trùng gây hại hay còn được gọi là kiểm soát tự diệt;

– SIT không đưa các loài không phải bản địa vào hệ sinh thái.

Trong hơn 5 thập kỷ, SIT đã trở thành chủ đề chính của Chương trình chung FAO/IAEA về Kỹ thuật Hạt nhân trong Nông nghiệp và Thực phẩm. Chương trình này bao gồm cả nghiên cứu ứng dụng để cải tiến kỹ thuật và phát triển SIT cho các loài côn trùng dịch hại mới; chuyển giao SIT cho các Quốc gia Thành viên thông qua các dự án thực địa để các dự án này có thể cải thiện sức khỏe cây trồng, vật nuôi và con người; môi trường sạch hơn; tăng sản lượng cây trồng và vật nuôi trong các hệ thống nông nghiệp và tăng tốc phát triển kinh tế.

Kết hợp với các phương pháp kiểm soát khác, SIT đã thành công trong việc kiểm soát một số loài côn trùng gây hại lớn bao gồm ruồi đục quả (ruồi đục quả Địa Trung Hải, ruồi đục quả Mexico, ruồi đục quả phương Đông, ruồi dưa); nhặng; giun vít; sâu bướm (sâu bướm mã đề, sâu đục quả màu hồng, sâu da xanh, sâu bướm xương rồng và sâu bướm sơn Úc); muỗi. Ở một số quốc gia áp dụng công nghệ này, các nghiên cứu đánh giá kinh tế hồi cứu đã cho thấy lợi tức đầu tư là rất cao. Lợi ích của việc sử dụng SIT bao gồm: giảm đáng kể thiệt hại trong sản xuất cây trồng và vật nuôi; bảo vệ các ngành trồng trọt và chăn nuôi thông qua việc ngăn chặn sự xâm nhập của dịch hại; tạo các điều kiện để xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường có giá trị cao mà không bị hạn chế về kiểm dịch; bảo vệ và tạo việc làm nông nghiệp; giảm đáng kể chi phí sản xuất và sức khỏe con người; bảo vệ môi trường thông qua việc giảm sử dụng thuốc diệt côn trùng.

Từ khóa: SIT; triệt sinh côn trùng; thanh long; ruồi đục quả;

– CMD&DND –

Cùng chủ đề

Viết một bình luận

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Công ty TNHH thiết bị và dịch vụ khoa học AE

Trụ sở chính tại Hà Nội: Phòng 1411 tòa nhà OCT2, KĐT Xuân Phương Viglacera, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Chi nhánh miền Nam: 154/174C Âu Dương Lân, Phường 3, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh

Chi nhánh miền Trung: Xã Lộc Ninh, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Chi nhánh Bắc Giang: Số 18, Thôn Lực, xã Tân Mỹ, Tp. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

ĐT: 0983374983, Fax: 024366667461

Email: duongcm@ae-rad.vn

Di động: 0983 374 983 (Chu Minh Dương)

LIÊN HỆ TƯ VẤN





    Total Visitors: 107929

    Today's Visitors:113

    0983 374 983