Kỹ thuật kiểm tra không phá hủy (NDT) đã và đang được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Kỹ thuật này bao gồm các phương pháp như kiểm tra bằng mắt, kiểm tra siêu âm và đặc biệt là kiểm tra bằng chụp ảnh bức xạ (Radiography). Các kỹ thuật NDT sử dụng nguồn phóng xạ và thiết bị X-ray đều có thể phát ra lượng bức xạ mạnh đến mức gây nguy hiểm cho con người trong một khoảng thời gian ngắn do vậy công việc này đòi hỏi sự quản lý, giám sát an toàn đặc biệt cao. Khi nói đến sự an toàn và bảo vệ an toàn cho nhóm nhân viên thực hiện công việc NDT, sự hiện diện của Sỹ quan an toàn (RPO) là rất cần thiết. Mặc dù vai trò của RPO còn xa lạ đối với một số người, nhưng RPO rất quan trọng trong việc đảm bảo tuân thủ các biện pháp an toàn bức xạ và giảm thiểu rủi ro liên quan đến phơi nhiễm bức xạ.
Sự nguy hiểm của kỹ thuật chụp ảnh bức xạ (RT)
Các nguồn phóng xạ sử dụng trong kỹ thuật RT theo xếp hạng quốc tế (cũng như Việt Nam) là các nguồn phóng xạ được xếp vào Nguồn nhóm 2 (xếp theo mức độ nguy hiểm các nguồn phóng xạ được chia làm 5 nhóm, nhóm 1 với mức độ nguy hiểm nhất, nhóm 5 mức độ ít nguy hiểm nhất) và được xếp vào An ninh mức B (có 4 mức an ninh A, B, C và D với Mức A là mức phải có các biện pháp đảm bảo an ninh cao nhất, nghiêm ngặt nhất Mức D là các biện pháp đơn giản nhất). Từ mức độ xếp hạng như vậy đã cho chúng ta thấy rằng các nguồn phóng xạ sử dụng chụp ảnh không phá hủy là các nguồn có độ nguy hiểm cao đòi hỏi phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Nếu ai vô tình nằm trong bán kính 1m từ 1 nguồn chụp ảnh Ir-192 mới nạp 100Ci trong 1 giờ nhận được 1 liều lên tới gần 500mSv, đây là liều lượng mà con người bắt đầu xuất hiện các triệu chứng tất nhiên (các biểu hiện chắc chắn sẽ xuất hiện như nôn, tiêu chảy, bỏng da, …) chưa kể với liều lượng này xác suất ung thư sẽ cao hơn rất nhiều so với người thường. Các triệu chứng tất nhiên nói trên lại không xuất hiện tức thì mà suất hiện sau vài ngày đến vài tuần, còn việc ung thư thì chỉ xuất hiện sau vài năm làm cho việc nhận biết triệu chứng đó có liên quan đến chiếu xạ rất khó khăn.
Thêm vào đó, đặc điểm của công việc NDT chủ yếu thực hiện ngoài công trường, nơi có sự hiện diện của rất nhiều nhóm đối tượng khác nhau cùng tham gia công việc. Công việc ngoài công trường dưới cường độ cao và điều kiện môi trường khắc nhiệt cũng làm cho con người dễ chủ quan với các mối nguy hiểm. Chính vì thế nguy cơ mất an toàn trong chiếu xạ công nghiệp rất dễ xảy ra.
Tầm quan trọng của RPO
Sỹ quan an toàn đóng vai trò rất quan trọng trong nhóm thực hiện NDT khi đảm bảo rằng tất cả các hoạt động liên quan đến bức xạ ion hóa được tiến hành an toàn và tuân thủ các quy định liên quan. Các hoạt động NDT nên được thực hiện dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Sỹ quan an toàn. Nguồn và thiết bị bức xạ phải có hồ sơ riêng, được cơ quan quản lý theo dõi và có quyền thanh tra, kiểm tra. Kiến thức của họ về an toàn bức xạ là cần thiết để bảo vệ không chỉ các thành viên trong Nhóm NDT mà còn cả công chúng và môi trường. Ở Việt Nam, các quy định về đảm bảo an toàn bức xạ đã được nhà nước ban hành đầy đủ, bao gồm cả đào tạo an toàn bức xạ và cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho các PRO. (Chi tiết về quy định liên quan đến đào tạo an toàn bức xạ và đăng ký học an toàn bức xạ xem tại đây).
Trách nhiệm của RPO
Trách nhiệm của PRO bao gồm nhiều khía cạnh, từ thực hiện các quy trình an toàn đến giám sát và kiểm soát phơi nhiễm bức xạ. Dưới đây là một số trách nhiệm chính của RPO:
1-Xây dựng Kế hoạch Bảo vệ Bức xạ: RPO chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện các kế hoạch bảo vệ bức xạ cụ thể cho các hoạt động NDT do nhóm thực hiện. Điều này bao gồm việc xác định nguồn bức xạ, đánh giá rủi ro và thiết lập các biện pháp an toàn thích hợp.
2-Đào tạo và bồi dưỡng: RPO cung cấp việc đào tạo và hướng dẫn cho nhóm NDT về các rủi ro liên quan đến phơi nhiễm bức xạ và các biện pháp phòng ngừa cần tuân thủ. Họ đảm bảo rằng tất cả các thành viên trong nhóm đều được thông báo và chuẩn bị đầy đủ để đối phó với các tình huống liên quan đến bức xạ, cũng như các tai nạn phóng xạ, trong đó có các quy trình do RPO xác định sẽ được thực thi.
3-Giám sát mức độ phơi nhiễm bức xạ: RPO chịu trách nhiệm thường xuyên theo dõi mức độ phơi nhiễm bức xạ của các thành viên trong nhóm trong các hoạt động NDT, sử dụng liều kế phù hợp để đảm bảo rằng mức độ phơi nhiễm nằm trong giới hạn tiêu chuẩn do cơ quan quản lý đặt ra.
4-Bảo trì thiết bị bảo vệ: RPO giám sát việc bảo trì và hiệu chuẩn thích hợp tất cả các thiết bị bảo vệ bức xạ, chẳng hạn như tạp dề chì, máy đo liều và tấm chắn. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là các hoạt động này được thực hiện bởi cơ quan quản lý, đảm bảo rằng các thiết bị này ở tình trạng hoạt động tốt và cung cấp sự bảo vệ cần thiết chống lại bức xạ.
5 – Tổ chức diễn tập kế hoạch ứng phó sự cố và trực tiếp chỉ đạo ứng phó sự cố bức xạ khi xảy ra,
Tác động của RPO đối với Nhóm thực hiện NDT
Sự hiện diện của Nhân viên Bảo vệ Bức xạ trong nhóm NDT có tác động đáng kể đến môi trường làm việc và sự an toàn của nhân viên. Dưới đây là một số tác động mà RPO mang lại lợi ích cho nhóm:
1-Nâng cao an toàn: Với sự hướng dẫn và giám sát của RPO, các thành viên trong nhóm có thể thực hiện nhiệm vụ của mình với sự đảm bảo rằng họ được bảo vệ trước những rủi ro liên quan đến bức xạ. Điều này thúc đẩy một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho mọi người.
2-Tuân thủ quy định: RPO đảm bảo rằng tất cả các hoạt động NDT tuân thủ các quy định và hướng dẫn do cơ quan có thẩm quyền thiết lập. Điều này giúp tránh bị phạt tiền, phạt vi phạm an toàn bức xạ. Giảm thiểu rủi ro: Bằng cách thực hiện các biện pháp bảo vệ bức xạ hiệu quả, RPO giúp giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm bức xạ và các tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với sức khỏe của nhân viên. Điều này dẫn đến một nhóm khỏe mạnh hơn và hiệu quả hơn.
(Đối với các nhóm NDT chưa có nhân viên bảo vệ bức xạ, có thể xem xét việc thuê dịch vụ để đánh giá và kiểm tra an toàn bức xạ, xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn bức xạ. Xem tại đây).
Ghi chú về sử dụng thuật ngữ
Thuật ngữ SỸ QUAN AN TOÀN hay PHỤ TRÁCH AN TOÀN hay NHÂN VIÊN BẢO VỆ AN TOÀN BỨC XẠ đều có tên tiếng Anh là Radiation Protection Officer (RPO) được Nhà nước đặt tên là NGƯỜI PHỤ TRÁCH AN TOÀN BỨC XẠ để chỉ 1 người làm công tác chuyên trách quản lý an toàn bực xạ cho cơ sở. Còn từ SỸ QUAN AN TOÀN được các chuyên gia sử dụng từ ngày các ứng dụng phóng xạ mới du nhập và bắt đầu phổ biến ở Việt Nam, khi đó hầu hết các công việc sử dụng nguồn phóng xạ đều sử dụng các nguồn có mức độ nguy hiểm cao như NDT vì vậy từ SỸ QUAN AN TOÀN được sử dụng để cho thấy tính chất nghiêm trọng của việc quản lý an toàn phóng xạ.
Từ khóa: RPO; an toàn bức xạ; bảo vệ bức xạ;
– CMD&DND –