Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Hàng năm, trên thế giới có khoảng 2 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư vú và khoảng người 600.000 người tử vong vì căn bệnh này. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2018, Việt Nam có gần 165.000 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là 15.000 người mắc chiếm tỷ lệ 9,2%, hơn 6.000 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, ung thư vú lại là một trong những bệnh ung thư có nhiều phương pháp điều trị nhất, đặc biệt trong các phương pháp đó là xạ trị. Xạ trị ung thư vú giai đoạn sớm làm giảm nguy cơ tái phát tại vú và vùng xung quanh, là một phần của điều trị triệt căn. Đối với ung thư vú giai đoạn muộn, xạ trị giúp giảm triệu chứng như đau do chèn ép, do di căn xương.
Hiệu quả các phương pháp điều trị ung thư không chỉ ở khả năng kiểm soát bệnh mà còn ở việc đảm bảo chất lượng sống cho bệnh nhân. Xạ trị ung thư ngày nay đóng vai trò quan trọng trong mô hình điều trị đa mô thức bệnh ung thư. Các kỹ thuật xạ trị tiên tiến đều hướng tới mục tiêu nâng cao liều tia xạ khối u và giảm liều chiếu tới các cơ quan lành, từ đó giúp tăng khả năng kiểm soát khối u đồng thời làm giảm tác dụng phụ của xạ trị trên các cơ quan lành. Trên thế giới, bên cạnh kỹ thuật xạ trị thường quy (2D, 3D theo hình dạng khối u), các kỹ thuật xạ trị mới như xạ trị điều biến liều (Intensity Modulated Radiation Therapy – IMRT), xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh (Image Guided Radiation Therapy – IGRT), xạ trị quay điều biến thể tích (Volume Modulated Arc Therapy – VMAT, Rapid Arc), xạ phẫu (stereotatic radiosurgery), xạ trị hạt nặng (proton therapy),…đang được ứng dụng rộng rãi.
Xạ trị điều trị bệnh nhân ung thư
Đối với bệnh nhân ung thư vú, từ trước đến nay, việc lập kế hoạch điều trị bằng xạ trị (RT) thường sử dụng phương pháp xạ trị hai chiều (2DRT) tiêu chuẩn. Điểm xạ trị được xác định trên một đường ngang duy nhất qua trung tâm vú giao với một trường phía trước theo trục thượng đòn ở độ sâu 3 cm. Quá trình điều trị đối với các vị trí U khác đã chứng minh khả năng cải thiện tỷ lệ hiệu quả khi sử dụng RT ba chiều (3DCRT) hoặc RT điều biến liều (IMRT). Việc điều trị ung thư vú bằng 2DRT vẫn còn phổ biến dù đã có các thử nghiệm lâm sàng chứng minh việc giảm tác dụng phụ cấp tính và muộn khi sử dụng 3DCRT/IMRT so với 2DRT.
Xạ trị điều biến liều là kỹ thuật xạ trị tiên tiến sử dụng máy gia tốc tuyến tính để đưa liều bức xạ chính xác tới khối u hoặc thể tích cần điều trị. Kỹ thuật này sử dụng phần mềm lập kế hoạch ngược (inversed planning) chia các trường chiếu ra nhiều chùm tia nhỏ (beamlet) và điều biến, kiểm soát cường độ của các chùm tia nhỏ này để đảm bảo phân bố liều chính xác theo yêu cầu của thể tích điều trị. Ưu điểm vượt trội của IMRT so với kỹ thuật xạ trị thường quy là cho phép tăng liều cao tại khối u trong khi hạn chế liều chiếu vào mô lành xung quanh và khả năng kê liều đồng thời vào nhiều thể tích điều trị. Do đó, kỹ thuật này giúp tăng khả năng tiêu diệt khối u đồng thời làm giảm tác dụng phụ của xạ trị, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
Gần đây, các Atlat đường viền cho vú đã được các nhà khoa học nghiên cứu, phát triển và việc sử dụng phương pháp xạ trị trúng đích đã trở thành tiêu chuẩn trong lập kế hoạch RT cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, việc sử dụng 3DCRT/IMRT với cơ quan có nguy cơ (OAR) cho bệnh nhân ung thư vú trải qua chiếu xạ sau khi cắt bỏ khối u/cắt bỏ vú vẫn chưa được tiêu chuẩn hóa cũng như phổ biến rộng rãi trong lâm sàng.
Xạ trị điều trị bệnh nhân ung thư vú
Mới đây, các nhà khoa học đã công bố kết quả đánh giá việc xạ trị sử dụng phương pháp đồng quy ba chiều 3DCRT đối với bệnh nhân ung thư vú có ảnh hưởng đến liều phân phối đến mục tiêu và OAR. Các kết quả cho thấy sự hiểu quả của 3DCRT và phương pháp này không dẫn đến làm gia tăng nhiều liều lượng đối với tim và phổi. Kết quả đánh giá cũng cho thấy mức độ nhiễm độc mô bình thường ở mức chấp nhận được và 3DCRT kiểm soát tốt các mục tiêu trong điều trị ung thư vú: tỷ lệ kiểm soát tại chỗ có thể đạt tới 94,7%, kiểm soát hạch khu vực là 99,4% khi theo dõi trung bình trong 7 năm. Các kết quả nghiên cứu khác đã ghi nhận kết quả cho thấy rằng 64% trường hợp khảo sát đạt được độ che phủ toàn bộ vú (95% mục tiêu nhận được ít nhất 95% liều lượng quy định). Các nhà nghiên cứu cũng đã tập trung vào việc sử dụng phương pháp RT điều biến liều (IMRT) để cải thiện độ bao phủ mục tiêu, tránh được OAR và hiệu chỉnh liều lượng ở các thể đồng nhất. Kết quả cũng cho thấy phương pháp 3DCRT đáp ứng tốt bao phủ mục tiêu và tránh OAR.
Từ khóa: IMRT; xạ trị; ung thư vú; 3DCRT;
– CMD&DND –