Trang chủ » Chernobyl – 37 năm sau Thảm họa hạt nhân

Chernobyl – 37 năm sau Thảm họa hạt nhân

Thảm họa hạt nhân Chernobyl bắt đầu lúc 1giờ24’ sáng ngày 26/4/1986 khi Lò phản ứng hạt nhân số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị nổ, cách một thị trấn dân cư chỉ 17 km. Hàng loạt cuộc sơ tán sau vụ tai nạn đã được tiến hành, biến một vùng rộng lớn quanh Chernobyl trở thành hoang phế, không còn người sinh sống. Đây là thảm họa phóng xạ lớn nhất trong lịch sự nhân loại. Tuy nhiên, đến ngày nay, đã có hơn 7.000 người trở lại sống và làm việc ở các khu vực lân cận nhà máy, bất chấp rủi ro.

Chernobyl là một thị trấn bị bỏ hoang trong Khu vực Loại trừ Chernobyl (Khu vực cấm/hạn chế người tiếp cận), nằm ở Vyshhorod Raion phía bắc Kyiv Oblast, Ukraine. Chernobyl cách thủ đô Kyiv khoảng 90 km (60 mi) về phía bắc và cách thành phố Gomel của Bêlarut 160 km (100 dặm) về phía tây nam. Trước khi sơ tán, thị trấn có khoảng 14.000 cư dân (ít hơn so với Thị trấn Pripyat lân cận). Ngày 26/4/1986, một trong các lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát nổ do người vận hành nhà máy thực hiện thao tác điều khiển không đúng cách. Thị trấn Chernobyl được sơ tán 9 ngày sau thảm họa. Mức độ ô nhiễm Cesi-137 là khoảng 555 kBq/m2 (lắng đọng trên bề mặt đất). Lúc này, thế giới nhận ra rằng họ đang chứng kiến ​​một sự kiện lịch sử: Có tới 30% trong số 190 tấn urani của Chernobyl bị phát tán vào khí quyển.

Vài giây trước khi Lò phản ứng số 4 phát nổ, nhiệt độ bên trong vùng hoạt lò phản ứng (lõi lò) lên tới 4.650 oC (bề mặt mặt trời là 5.500). Áp lực từ vụ nổ tương đương với 66 tấn thuốc nổ TNT, đã thổi bay mái tòa nhà lò phản ứng (20 tầng), phá hủy hoàn toàn mọi thứ bên trong và phát tán ít nhất 28 tấn vụn phóng xạ hoạt độ cao ra môi trường xung quanh. Vụ tại nạn gây ra một đám cháy phóng xạ cháy trong gần hai tuần và tỏa một luồng khí phóng xạ và sol khí khổng lồ vào bầu khí quyển, di chuyển theo gió về phía châu Âu và châu Á. Hàng chục chất phóng xạ theo mưa rơi xuống trái đất.

Bụi phóng xạ có chứa Iốt-131, Cesi-137 và plutoni-239. Đây hoàn toàn là các chất phóng xạ không tự sản sinh trong tự nhiên, cực kỳ nguy hiểm đối với con người và các động vật khác. Iốt-131 nhanh chóng tích tụ trong tuyến giáp và gây ung thư tuyến giáp, thời gian bán hủy là 8 ngày. Cesi-137 tồn tại trong đất và phát tia gamma có năng lượng gấp hàng trăm nghìn lần so với tia mặt trời, thời gian bán hủy là khoảng 30 năm. Plutoni-239 cực kỳ độc hại khi hít phải, có chu kỳ bán rã 24.000 năm. Các hạt phóng xạ cho đến nay vẫn lơ lửng trong khí quyển, chuyển động theo gió và trong các dòng nước.

Người dân được kiểm tra phóng xạ sau vụ nổ tai nạn Chernobyl (Nguồn: Reuters)

Trong khi các hạt phóng xạ di chuyển ở phạm vi xa và rộng, các nhà chức trách vẫn cố gắng triển khai dọn dẹp tập trung vào Khu vực loại trừ của Chernobyl, trong bán kính 30 km (19 dặm). Việc sơ tán khu vực này bắt đầu 36 giờ sau vụ tai nạn, đầu tiên là 50.000 dân của Thị trấn Pripyat, cách nhà máy điện hạt nhân Chernobyl 3km, được xây dựng để làm nơi ở cho công nhân và gia đình của họ. Pripyat, với các tòa nhà chung cư, sân chơi và tượng đài công cộng, vẫn là một “thị trấn ma” cho đến ngày nay. Tuy nhiên, ngày nay, sau hàng chục nghìn người được sơ tán khỏi khu vực loại trừ này, thì hàng chục nghìn người khác đã đến ở và sinh sống. Hầu hết đến để làm việc, tẩy xạ, hoạt động khoa học và cả những người dân cũ bất chấp lệnh cấm tiếp cận, quay trở lại làng của họ. Nỗ lực dọn dẹp chính thức được gọi là “Xử lý hậu quả Tai nạn Chernobyl”. Đây là nhiệm vụ “bất khả thi” khi các hạt phóng xạ là vô hình và không có mùi vị, làm nhiễm xạ mọi thứ, từ gạch, gia súc đến lá cây. Những hạt nhân phóng xạ này không thể bị phá hủy; tất cả những gì công nhân xử lý có thể làm là can thiệp hoặc niêm phong chúng theo quy định.

Từ năm 2016, Chính quyền đã tiến hành xây dựng một lớp che chắn an toàn mới bao phủ phần còn lại của Lò phản ứng số 4 tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Nguồn: Radio Free Europe)

Một số công việc như di chuyển các mảnh vỡ bị nhiễm xạ hoạt độ cao hoặc đổ bê tông bịt kín lò phản ứng nguy hiểm đến mức nhiều người có thể hấp thụ lượng phóng xạ gây chết người trong vài phút. Ước tính về số lượng công nhân dọn dẹp tại đây rất khác nhau vì không có sổ đăng ký chính thức, nhưng con số này lên tới hàng trăm nghìn và có thể là hơn nửa triệu người. Họ đến từ khắp Liên Xô cũ và hầu hết đều là thanh niên, khoảng 10% trong số họ vẫn còn sống cho đến ngày nay.

Cuộc sống ở thị trấn bỏ hoang gần Chernobyl

Bà Elena Buntova cùng với các nhà khoa học khác đã đáp lại lời kêu gọi của Chernobyl, đến sau vụ tai nạn để nghiên cứu tác động của bức xạ đối với động vật hoang dã. Trong những năm đầu tiên sau vụ tai nạn, các nhà khoa học giỏi nhất từ ​​khắp Liên Xô đã đến Chernobyl để làm việc. Lapiha là chồng của Elena Buntova làm việc ở đây với tư cách là nhiếp ảnh gia. Do tuổi tác và mối liên hệ của họ với nơi này, Buntova và Lapiha là một phần của nhóm nhỏ những người tái định cư được chính phủ Ukraine cho phép sống toàn thời gian trong khu vực. Họ thừa nhận rằng sống ở Chernobyl rất rủi ro và rắc rối, đặc biệt là vì cấm trẻ em. Họ từng có con trước khi gặp nhau, nhưng vì bất kỳ ai dưới 18 tuổi đều dễ bị nhiễm bức xạ ion hóa nên con cái của họ không bao giờ được vào trong khu vực. Thị trấn Chernobyl từng có dân số 14.000 người.

Nhân viên trong phòng điều khiển của Lò phản ứng số 2 vào một ngày làm việc bình thường. Mặc dù các lò phản ứng một, hai và ba không còn sản xuất điện nữa, nhưng phải đến năm 2065 chúng mới ngừng hoạt động (Nguồn: National Geographic)

Rất ít người sống trong khu vực loại trừ. Những người phớt lờ lệnh sơ tán và trở về quê hương sau vụ tai nạn giờ đã ở độ tuổi cuối 70 hoặc đầu 80 và nhiều người đã chết trong 5 năm trở lại đây. Những người ở lại dựa vào thức ăn do họ tự trồng và từ các khu rừng xung quanh, bao gồm cả những loại nấm đặc biệt hấp thụ tốt Cesi-137, chất phát ra cả bức xạ beta và gamma. Những cây mà họ đốt để làm nhiên liệu cũng có thể nhiễm phóng xạ, khói gây ra những bụi phóng xạ nhỏ trong khu vực. Ở những nơi có người ở, phông nền phóng xạ nói chung là thấp. Năm 1998, liều Cesi-137 trung bình từ vụ tai nạn (ước tính khoảng 1–2 mSv mỗi năm) không vượt quá liều từ các nguồn phơi nhiễm khác. Tỷ lệ liều Cesi-137 hiện tại tính đến năm 2019 là 200–250 nSv/h, khoảng 1,7–2,2 mSv mỗi năm, tương đương với bức xạ nền trung bình trên toàn thế giới từ các nguồn tự nhiên.

Công nhân tại Chernobyl kiểm tra phóng xạ trước khi rời đi trong ngày (Nguồn: Daily Mail)

Trong số khoảng 7.000 người ra vào khu vực này để làm việc, hơn 4.000 người có ca làm việc 15 ngày một tháng hoặc bốn ngày một tuần, lịch trình được lập ra để giảm thiểu tiếp xúc với bức xạ ion hóa. Họ là nhân viên bảo vệ, lính cứu hỏa, nhà khoa học hoặc những người duy trì cơ sở hạ tầng. Vì Chernobyl là ngôi nhà tạm thời chứ không phải nơi cư trú lâu dài nên họ ở trong một số phòng và căn hộ đã được sơ tán từ năm 1986. Lực lượng lao động còn lại thì đến bằng tàu hỏa mỗi ngày để làm việc. Mặc dù nhà máy không còn sản xuất điện, nhưng việc ngừng hoạt động của ba lò phản ứng còn lại sẽ kéo dài ít nhất cho đến năm 2065 và có cả một bộ phận trong Viện Các vấn đề An toàn của Nhà máy Điện Hạt nhân đối với che chắn Lò phản ứng số 4. Khu vực loại trừ ngày nay ít phóng xạ hơn so với trước đây, nhưng Chernobyl có đặc tính bẻ cong thời gian. 37 năm là rất nhiều với con người và có ý nghĩa quan trọng đối với các vật liệu như cesi-137 và stronti-90, với chu kỳ bán rã khoảng 30 năm.

Phòng tập thể dục ở thị trấn Chernobyl (Nguồn: National Geographic)

Các khu vực giáp với khu vực loại trừ đã trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với các doanh nhân. Một số khu vực này nằm trong phạm vi 115 km (khoảng 70 dặm) của thủ đô Kiev của Ukraine. Vị trí gần thủ đô kết hợp với chi phí bất động sản thấp đã khiến những khu vực này trở nên hấp dẫn đối với các doanh nhân đang tìm kiếm bất động sản rẻ tiền, để bắt đầu kinh doanh. Để hỗ trợ khả năng phục hồi kinh tế tại các khu vực bị ô nhiễm ở Belarus, chính phủ đã miễn thuế, khuyến khích chăm sóc sức khỏe cho nhân viên, cung cấp thực phẩm và nước sạch cũng như các chương trình phục hồi kinh tế. Ngoài các doanh nhân đang tìm cách mở doanh nghiệp mới, một số công việc xung quanh nhà máy điện đã góp phần giúp khu vực này duy trì một mức độ nhỏ khả năng kinh tế sau thảm họa.

Năm 2016, Lò phản ứng số 4 được dựng một lớp che chắn hoàn toàn mới, giống như một túp lều Quonset khổng lồ, có tuổi thọ 100 năm, mặc dù các vật liệu bên trong sẽ có tính phóng xạ trong nhiều thiên niên kỷ. Khu vực giam giữ an toàn mới (NSC) này giúp ngăn chặn nhiều bức xạ rò rỉ. Khoảng 3.000 người hiện đang làm việc trong NSC. Những nhân viên này theo dõi mức độ bức xạ và kiểm tra thiết bị chứa bức xạ. Mặc dù những công nhân này dành nhiều ngày làm việc gần khu vực còn lại có mức độ phóng xạ cao, nhưng mức độ phóng xạ trong NSC thấp và ít đe dọa đến sức khỏe của công nhân. Ngoài ra còn có khoảng 2.000 người làm việc ở các khu vực khác của khu vực loại trừ. Các công việc điển hình bao gồm lính gác, lính cứu hỏa và nhân viên phục vụ. Tất cả công nhân trong khu vực loại trừ bị giới hạn trong chu kỳ 15 ngày làm việc trong khu vực, sau đó là 15 ngày bên ngoài. Điều này là để đảm bảo rằng mức độ phóng xạ trong cơ thể nhân viên không trở nên cao một cách nguy hiểm. Bên kia phần còn lại của khu vực nhà máy điện hạt nhân, Chính quyền đã xây dựng một nhà máy điện mặt trời. Tại nhà máy điện này, 3.800 tấm pin mặt trời được sử dụng để cung cấp năng lượng cho hơn 2.000 căn hộ.

Tác động lâu dài

Tác động của thảm họa đối với rừng và động vật hoang dã xung quanh vẫn là một lĩnh vực nghiên cứu tích cực. Ngay sau vụ tai nạn, khu vực rộng khoảng 6km2 được gọi là “Rừng Đỏ” do rất nhiều cây chuyển sang màu nâu đỏ và chết sau khi hấp thụ lượng phóng xạ cao. Tuy nhiên, cho đến nay, khu vực loại trừ vẫn tràn đầy sức sống. Nhiều loại cây đã mọc lại, số lượng một số động vật hoang dã, từ linh miêu đến nai sừng tấm đã tăng lên. Vào năm 2015, các nhà khoa học ước tính số lượng sói trong khu vực loại trừ cao gấp bảy lần so với các khu bảo tồn tương đương gần đó.

Thiên nhiên có một khả năng kỳ lạ phục hồi sau thảm họa và môi trường tự nhiên xung quanh Chernobyl cũng không khác.Mặc dù phần lớn bị con người bỏ hoang, nhưng lại là nơi sinh sống của một lượng lớn động vật thuộc đủ các loài khác nhau. Rừng trong khu vực loại trừ hiện là khu bảo tồn thiên nhiên lớn thứ ba ở châu Âu và đóng vai trò như một phòng thí nghiệm ngẫu nhiên trong việc tái hoang dã sau vụ nổ hạt nhân.

Chó sói ở Chernobyl (Nguồn: Đại học Georgia)

Hợp tác chặt chẽ xuyên biên giới Belarus với Khu bảo tồn Phóng xạ Polesskiy và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Bộ Sinh thái và Tài nguyên Thiên nhiên Ukraine đã thiết lập một dự án với hy vọng hỗ trợ hệ động thực vật. Dự án có tên Bảo tồn, Tăng cường và Quản lý Dự trữ Carbon và Đa dạng sinh học trong Khu vực Loại trừ Chernobyl, bắt đầu vào năm 2015 và đã giúp thiết lập một sinh quyển xuyên biên giới giữa Ukraine và Belarus. Các khu bảo tồn của dự án được bảo vệ và ngoài việc nuôi dưỡng quần thể động vật, đã cho phép thiên nhiên phát triển trong khu vực, với hy vọng rằng thực vật và rừng tự nhiên sẽ giúp làm sạch đất và nước bị ô nhiễm.

Một số loài thực vật và động vật đã bị ảnh hưởng về mặt di truyền bởi bức xạ. Động vật vẫn được sinh ra với những đột biến gen kỳ lạ làm biến dạng các đặc điểm của chúng và thực vật rất nguy hiểm cho con người khi được trồng trong đất phóng xạ. Trong khi nghiên cứu về tác động của bức xạ đối với động vật, các đột biến đã ảnh hưởng đến quần thể, đặc biệt là ở vật nuôi, nhưng không đủ để kìm hãm sự phát triển trên quy mô lớn.

(Nguồn: National Geographic)

Từ năm 1987 đến 1996, số lượng hươu ở khu vực này đã bùng nổ và các loài khác bắt đầu trở nên phổ biến hơn, bao gồm hơn 60 loài quý hiếm. Linh miêu Á-Âu, gấu nâu, bò rừng bizon và cò chỉ là một số loài động vật đã tái định cư trong khu vực loại trừ. Trong khi khu vực này chủ yếu là thông trước thảm họa, những khu rừng nguyên sinh dày đặc đã bổ sung đa dạng sinh học cho khu vực. Những con ngựa của Przewalski, từng lang thang trên toàn bộ đồng bằng Á-Âu đã bị tuyên bố tuyệt chủng trong tự nhiên sau lần cuối cùng nhìn thấy vào những năm 1960. Tuy nhiên, khi 30 con ngựa của Przewalski được đưa vào đây, số lượng đã phát triển mạnh. Động vật hoang dã đã tăng lên hơn 200, với những bổ sung mới khiến các nhà nghiên cứu tin rằng chúng sẽ được duy trì qua nhiều thế hệ nữa.

Từ khóa: Chernobyl; bức xạ ion hóa; nhà máy điện hạt nhân; thảm họa hạt nhân; phóng xạ

– CMD&DND –

Cùng chủ đề

Viết một bình luận

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Công ty TNHH thiết bị và dịch vụ khoa học AE

Trụ sở chính tại Hà Nội: Phòng 1411 tòa nhà OCT2, KĐT Xuân Phương Viglacera, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Chi nhánh miền Nam: 154/174C Âu Dương Lân, Phường 3, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh

Chi nhánh miền Trung: Xã Lộc Ninh, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Chi nhánh Bắc Giang: Số 18, Thôn Lực, xã Tân Mỹ, Tp. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

ĐT: 0983374983, Fax: 024366667461

Email: duongcm@ae-rad.vn

Di động: 0983 374 983 (Chu Minh Dương)

LIÊN HỆ TƯ VẤN





    Total Visitors: 108167

    Today's Visitors:2

    0983 374 983