Ngày 9 tháng 12 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định) quy định về việc tiến hành công việc bức xạ (CVBX) và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT), Nghị định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2 năm 2021. Sau gần 1 năm thực hiện Nghị định, đã có khá nhiều đổi mới theo hướng tích cực đã được áp dụng, đem đến nhiều thuận lợi cho các cơ sở bức xạ. Tuy nhiên vẫn còn một số điểm đổi mới của Nghị định chưa được triển khai do cơ quan chức năng chưa ban hành được các băn bản hướng dẫn cụ thể.
Mặc dù Nghị định không ghi tường minh là thay thế cho một số Thông tư, nhưng có thể hiểu Nghị định thay thế hoàn toàn hoặc một phần các Thông tư sau:
– Thay thế hoàn toàn Thông tư số 08/2020/TT-BKHCN ngày 22-7-2010 và Thông tư 06/2016/TT-BKHCN ngày 22-4-2016;
– Thay thế một phần Thông tư số 25/2014/TT-BKHCN ngày 8-10-2014. Nghị định 142 quy định chi tiết hơn về nội dung của Kế hoạch UPSC cần phê duyệt, đồng thời sở lập kế hoạch ứng phó sự cố theo hướng đơn giản hơn với các loại hình không cần phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố.
Dưới đây tóm tắt một số nội dung tích cực mà Nghị định 142 ban hành và đã được thực hiện trong thời gian vừa qua:
a) Đa số Kế hoạch ứng phó sự cố không cần phê duyệt:
– Trên 90% các cơ sở không cần phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố. Chỉ một số lượng rất ít các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ Nhóm 1 và 2, sử dụng thiết bị chiếu xạ cần phải phê duyệt kế hoạch UPSC.
– Việc này đem đến nhiều lợi ích cho cơ sở vì được cắt giảm đi 1 thủ tục hành chính có thu phí, đồng thời nội dung của kế hoạch UPSC khi không cần phê duyệt cũng đơn giản hơn khá nhiều.
b) Chứng chỉ nhân viên bức xạ không còn thời hạn:
– Thay vì có thời hạn 5 năm như trước đó, Nghị định 142 cho phép Chứng chỉ nhân viên bức xạ không có thời hạn.
– Việc này rất tích cực cho các cơ sở có những cán bộ phụ trách an toàn được phân công công tác ở vị trí đó lâu dài. Đồng thời cũng cắt giảm thủ tục hành chính có thu phí cho cơ sở. Tuy nhiên cán bộ phụ trách an toàn vẫn phải được đào tạo an toàn bức xạ theo chu kỳ 3 năm/lần để cập nhật các văn bản mới.
c) Mở rộng phạm vi sửa đổi giấy phép:
– So với các văn bản cũ, Nghị định 142 đã mở rộng khá nhiều các điều kiện được phép sửa đổi giấy phép, tạo điều kiện cho cơ sở được phép sửa đổi Giấy phép trong nhiều trường hợp do lỗi cả khách quan lẫn chủ quan.
– Được sửa đổi giấy phép để hiệu chỉnh lại thông tin của nguồn, thiết bị bức xạ cho đúng với thực tế. Như vậy cơ sở trong quá trình khai báo có khai sai thông tin do lỗi đánh máy, hay do hiểu sai các thông tin của thiết bị (trên thiết bị có thể có nhiều tem thông tin nên cơ sở không biết đưa thông tin nào vào khai báo) thì vẫn được phép sửa Giấy phép.
– Các cơ sở sử dụng các thiết bị tia X có cơ cấu tự che chắn trong phân tích thành phần, soi kiểm tra lỗi sản phẩm và máy soi an ninh khi thay đổi địa điểm sử dụng thì được phép làm sửa đổi giấy phép, thay vì phải xin phép mới theo quy định cũ.
– Hiện tại thủ tục sửa Giấy phép là thủ tục không có thu lệ phí và thủ tục cũng tương đối đơn giản, thời gian xử lý hồ sơ nhanh.
d) Thời điểm phải nộp hồ sơ gia hạn giấy phép muộn hơn:
– Trước kia, tất cả các loại giấy phép đều phải nộp hồ sơ gia hạn trước ít nhất 60 ngày trước ngày hết hạn. Tuy nhiên Nghị định 142 đã thay đổi thời gian nộp hồ sơ gia hạn theo hướng bớt gấp gáp cho cơ sở.
– Giấy phép nhập khẩu, xuấ khẩu chỉ cần nộp gia hạn trước ngày hết hạn 15 ngày.
– Các giấy phép khác thì chỉ cần nộp hồ sơ gia hạn trước 45 ngày.
e) Rút ngắn nhiều thời hạn xử lý hồ sơ gia hạn:
– Trước kia, thời hạn xử lý hồ sơ gia hạn của mọi loại giấy phép là 60 ngày. Nghị định 142 đã rút ngắn rất nhiều thời gian xử lý hồ sơ.
– Thời hạn xử lý hồ sơ gia hạn nhập khẩu, xuất khẩu chỉ là 15 ngày.
– Thời hạn xử lý hồ sơ gia hạn khác chỉ 30 ngày.
Trong Nghị định 142 còn có một số điểm mới tích cực theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính cho cơ sở nhưng hiện tại chưa thực hiện được vì thiếu các văn ản hướng dẫn, hy vọng trong năm 2022 sẽ có thêm một số Thông tư để triển các các điểm mới này:
a) Cho phép gộp nhiều giấy phép thành 1 giấy phép duy nhất: Cả cơ sở và cơ quan quản lý sẽ đều tiết kiệm được nhiều thời gian, nhân lực để quản lý công việc đặc biệt theo dõi thời hạn của các giấy phép.
b) Bổ sung giấy phép: Khi cơ sở phát sinh thiết bị mới thì chỉ việc bổ sung thiết bị đó vào danh sách thiết bị đã cấp phép mà không cần phải xin một giấy phép mới.
Cả 2 điểm trên đều nhằm 1 mục đích cuối cùng là hướng đến mối cơ sở chỉ cần có 1 giấy phép duy nhất, thay vì hiện này có những cơ sở có đến 10 giấy phép.
Chúng tôi sẽ thường xuyên có những bài viết để Review và cập nhật về Nghị định 142 khi Nhà nước ban hành thêm các văn bản hướng dẫn.
– CMD –