Trang chủ » Xạ trị proton – an toàn hơn Xạ trị truyền thống ?

Xạ trị proton – an toàn hơn Xạ trị truyền thống ?

Trong thập niên gần đây, các nhà khoa học trên thế giới đã phát triển và đưa vào ứng dụng một loại xạ trị mới được gọi là xạ trị chùm tia proton. Phương pháp này hiệu quả và có thể an toàn hơn xạ trị truyền thống đối với bệnh nhân bị ung thư di căn. Bức xạ truyền thống với tia X hoặc chùm photon chiếu tới khối u và/hoặc bên ngoài khối u có thể làm hỏng các mô lành xung quanh và gây ra đáng kể tác dụng phụ. Ngược lại, xạ trị proton sử dụng một chùm hạt proton chỉ chiếu tới và dừng lại ở khối u, do đó ít có khả năng gây tổn thương các mô lành.

Liệu pháp proton (PT) hay Xạ trị proton là liệu pháp xạ trị ngoài, sử dụng chùm hạt proton có năng lượng cao (thường từ 160 tới 230 MeV) với tốc độ khoảng 70-80% tốc độ ánh sáng. Chùm hạt proton được lấy từ máy gia tốc hạt cyclotron hoặc synchrotron. Bức xạ proton phân bố trong vật chất nói chung và trong mô của cơ thể người nó riêng có độ sâu nhất định tùy theo năng lượng của chùm hạt proton. Trong khi đó, xạ trị tia X thường chủ yếu tập chung ở gần bề mặt tiếp nhận bức xạ và giảm dần khi đi sâu vào trong. Lợi thế này giúp việc sử dụng xạ trị proton tập chung liều vào vị trí khối u và tránh được ảnh hưởng tới các mô lành xung quanh. Điển hình như sử dụng xạ trị proton trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt hạn chế được tới 60% liều chiếu lên các mô lành xung quanh so với xạ trị photon điều biến liều (IMRT). Điều này giúp hạn chế tác dụng phụ và phát sinh ung thư mới do liều chiếu xạ gây nên, đồng thời giảm thời gian điều trị, tăng chất lượng cuộc sống.

Xạ trị proton

Xuất phát từ nguyên lý trên và đánh giá theo kết quả từ bệnh nhân, nhiều chuyên gia tin rằng xạ trị proton an toàn hơn xạ trị truyền thống, dù có rất ít nghiên cứu so sánh hai phương pháp điều trị này. Thực tế cho đến nay, xạ trị proton đắt hơn nhiều so với xạ trị truyền thống và không phải tất cả các công ty bảo hiểm đều chi trả chi phí điều trị xạ trị, nên việc xác định lợi thế của xạ trị proton vẫn còn hạn chế. Tại Hoa Kỳ, có tới 33 bệnh viện chi hàng triệu đô la để xây dựng các trung tâm trị liệu bằng proton và đưa ra những lợi ích tiềm năng của phương pháp điều trị này.

Liệu pháp xạ trị truyền thống (trên cùng và dưới cùng bên trái) truyền bức xạ tới khối u và các mô khỏe mạnh xung quanh khối u. Xạ trị proton (trên cùng và dưới cùng bên phải), phần lớn bức xạ được chuyển đến chỉ ở khối u (Nguồn: NCI, Hoa Kỳ)

Trong nghiên cứu mới đây, những bệnh nhân được điều trị bằng xạ trị proton ít gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng hơn nhiều so với những bệnh nhân điều trị bằng xạ trị truyền thống. Tuy nhiên, không có sự khác biệt về thời gian sống của bệnh nhân. Kết quả này được công bố ngày 26/12/2020 trên tạp chí JAMA Oncology. ThS. BS. Brian Baumann, Trường Y thuộc Đại học Washington ở St. Louis và Đại học Pennsylvania, cho biết: Kết quả này đã hỗ trợ cho hệ cơ sở lý luận về liệu pháp proton. Các khía cạnh chính của nghiên cứu đã giải thích cơ bản lợi thế về mức độ an toàn của xạ trị proton so với xạ trị truyền thống.

An toàn và hiệu quả của Xạ trị proton

Nhiều người mắc bệnh ung thư di căn cục bộ được điều trị bằng phương pháp kết hợp giữa hóa trị và xạ trị truyền thống hoặc xạ trị proton. Đối với bệnh nhân được hóa trị và xạ trị đồng thời, việc tìm cách hạn chế tác dụng phụ mà không làm giảm hiệu quả điều trị là ưu tiên hàng đầu. Các chuyên gia Hoa Kỳ đã phân tích dữ liệu từ gần 1.500 bệnh nhân mắc 11 loại ung thư khác nhau. Tất cả bệnh nhân tham gia đã được hóa trị kết hợp với xạ trị đồng thời từ năm 2011 đến 2016 và được theo dõi các tác dụng phụ,kết quả điều trị ung thư, bao gồm cả khả năng sống. Gần 400 người đã được điều trị bằng proton và số còn lại được điều trị bằng xạ trị truyền thống.

Xạ trị proton không gây liều lên các mô lành ở não so với xạ trị truyền thống

Các nhà nghiên cứu nhận thấy bệnh nhân được điều trị bằng proton gặp ít tác dụng phụ nghiêm trọng hơn nhiều so với bệnh nhân được xạ trị truyền thống. Trong vòng 90 ngày kể từ khi bắt đầu điều trị, 45 bệnh nhân (12%) trong nhóm trị liệu bằng proton và 301 bệnh nhân (28%) trong nhóm xạ trị truyền thống đều bị tác dụng phụ nghiêm trọng đến mức phải nhập Viện. Ngoài ra, liệu pháp proton không ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày như làm việc nhà của bệnh nhân nhiều như xạ trị truyền thống. Trong quá trình điều trị, điểm số trạng thái hoạt động có khả năng giảm một nửa đối với những bệnh nhân được điều trị bằng xạ trị proton so với bệnh nhân được xạ trị truyền thống. Và xạ trị proton gần như có tác dụng tương tự liệu pháp xạ trị truyền thống đối với việc điều trị ung thư và đảm bảo sự sống. Sau 03 năm, 46% bệnh nhân ở nhóm trị liệu bằng proton và 49% bệnh nhân ở nhóm xạ trị truyền thống gần như hoàn tất điều trị ung thư, 56% bệnh nhân được điều trị bằng proton và 58% bệnh nhân được xạ trị truyền thống vẫn còn sống sau 3 năm.

Theo nghiên cứu được công bố bởi các nhà khoa học từ Đại học Stanford, xạ trị proton làm giảm 69% nguy cơ chẩn đoán ung thư lần thứ hai so với các hình thức điều trị bằng bức xạ khác. Nghiên cứu đã xem xét tới 450.373 bệnh nhân trong Cơ sở dữ liệu Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, đã được điều trị bằng các phương pháp xạ trị phù hợp 3D (3DCRT), Xạ trị điều biến liều (IMRT) hoặc Xạ trị Proton. Thời gian theo dõi trung bình trong nghiên cứu là 5,1 năm sau xạ trị. 3DCRT và IMRT đều là phương pháp điều trị bức xạ dựa trên tia X trong khi liệu pháp proton sử dụng các hạt proton để phá hủy DNA của tế bào ung thư, cuối cùng phá hủy khối u. Kết quả nhìn chung nhất quán trên 9 loại khối u bao gồm đầu và cổ, đường tiêu hóa (GI), phụ khoa, ung thư hạch, phổi, tuyến tiền liệt, vú, xương/mô mềm và khối u não/hệ thần kinh trung ương.

Từ khóa: xạ trị; proton; ung thư;

– CMD&DND –

Cùng chủ đề

Viết một bình luận

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Công ty TNHH thiết bị và dịch vụ khoa học AE

Trụ sở chính tại Hà Nội: Phòng 1411 tòa nhà OCT2, KĐT Xuân Phương Viglacera, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Chi nhánh miền Nam: 154/174C Âu Dương Lân, Phường 3, Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh

Chi nhánh miền Trung: Xã Lộc Ninh, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Chi nhánh Bắc Giang: Số 18, Thôn Lực, xã Tân Mỹ, Tp. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

ĐT: 0983374983, Fax: 024366667461

Email: duongcm@ae-rad.vn

Di động: 0983 374 983 (Chu Minh Dương)

LIÊN HỆ TƯ VẤN





    Total Visitors: 108093

    Today's Visitors:4

    0983 374 983